+
Aa
-
like
comment

Sẽ vẫn còn giải cứu bất động sản khi đất đai chỉ phục vụ người giàu

Công Luân - 19/02/2023 16:38

Bất động sản kêu được giải cứu từ giữa năm 2022, thế nhưng nghịch lý là dù kêu khó nhưng vẫn muốn bán nhà giá cao. Đầu năm 2023, giá bán bất động sản vẫn ở mức bỏng tay mà người có mức thu nhập trung bình vẫn không thể chạm tới. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngày 17/02 vừa qua, doanh nghiệp lại kêu cứu. Và sẽ còn giải cứu dài dài khi đất đai vốn chỉ phục vụ cho người giàu như hiện tại.

Những dự án siêu đắt đỏ chỉ phục vụ giới nhà giàu

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301,967 căn hộ, dự án nhà ở xã hội có 150 dự án, 19,967 căn hộ. Còn trong báo cáo của UBND TP.HCM thì số dự án nhà ở thương mại đang triển khai trên địa bàn thành phố là 124 dự án với quy mô 58.141 căn; số dự án hình thành trong tương lai, đã đủ điều kiện bán trong năm qua là 21 dự án với 10.780 căn. Còn số dự án nhà ở xã hội đang triển khai chỉ có 5 dự án với 3.367 căn; không có dự án nhà ở xã hội nào hình thành trong tương lai, đủ điều kiện bán trong năm 2022, số căn nhà ở xã hội bằng 0, dự án nhà ở công nhân cũng không có.

Sở Xây dựng TP.HCM ước tính giai đoạn 2021-2025 nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội của thành phố lên tới 245.000 căn, nhưng thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30.500 căn dựa trên các dự án đã và đang triển khai. Nhu cầu thuê nhà lưu trú cho công nhân vào khoảng 68.500 phòng, mà thành phố chỉ xây dựng được 4.500 phòng. Đây là một ví dụ không thể sinh động hơn về sự lệch pha cung cầu nhà đất.

Khi tỷ lệ căn hộ bình dân chiếm 0% trên thị trường, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu, chỉ dấu của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Điều này phản ánh phần lớn đất đai hiện nay đang được quy hoạch và sử dụng phục vụ cho người giàu. Thay vì tập trung xây dựng loại hình nhà ở bình dân mà người dân cần, phù hợp túi tiền người mua ở những thành phố lớn, các doanh nghiệp bất động sản đổ xô phát triển căn hộ cấp cao, biệt thự liền kề, nhà phố mặt tiền. Những dự án bỏng rát ấy, người nghèo cả đời cũng không bao giờ chạm tay tới được.

Phiên tòa xét xử Đặng Văn Hiến

Điều đáng nói là lỗi của sự lệch pha cung cầu và lãng phí nguồn lực xã hội không chỉ ở phía các doanh nghiệp bất động sản, vốn bị mục tiêu lợi nhuận chi phối quá mức, mà còn từ phía các cơ quan bộ, ngành, địa phương đã quy hoạch, cấp phép xây dựng không phù hợp nhu cầu thực tế. Mà họ làm được điều đó là từ tấm kim bài của thứ đã cũ và quá lỗi thời trong Luật Đất Đai.

Thực tiễn sinh động và phức tạp của đời sống xã hội nước ta những năm gần đây đã và đang đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung thêm nhiều vấn đề mới, bức xúc vào Luật Đất đai. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa hoàn thiện. Những mâu thuẫn của đất đai từ việc thiếu điều luật quản lý đã sản sinh ra biết bao mâu thuẫn trong xã hội, đẩy những con người hiền lành rơi vào vòng vây pháp lý. Đơn cử như vụ án người nông dân Đặng Văn Hiến. Hiếm có bị cáo nào mà khi bị bắt, khi bị xử khiến nhiều người phải rơi nước mắt, khiến báo chí tốn nhiều bút mực đến vậy. Có rất nhiều câu hỏi đau đáu phải chăng nếu chính quyền địa phương lắng nghe ý kiến của Hiến, sâu sát hơn, không quyết tâm cưỡng chế mọi giá để giao đất cho công ty Long Sơn hay nói cách khác bỏ tư duy đất phục vụ cho người giàu thì bi kịch đã được ngăn chặn.

Câu chuyện của Hiến cách đây đã 5 năm nhưng tin rằng nó sẽ không bao giờ mất đi mà là một vết cắt rất sâu về việc quản lý đất đai. Nhưng rất đáng buồn là cũng từng ấy năm vết cắt ấy vẫn chưa được sửa chữa. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn mãi nằm trên bài giấy. Sự dửng dưng ấy đã khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải nổi giận, yêu cầu thực hiện nhanh. Nhưng trên nóng dưới lạnh như vậy thì liệu rằng bao giờ mới xong. Còn bao nhiêu Hiến nữa thì mới khiến các cơ quan chức năng sốt ruột…

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều