‘Sẽ phân bổ ngân sách phù hợp cho giao thông Đông Nam Bộ’
Kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ đang nghẽn cả đường bộ – đường thủy – hàng không. Đại diện các bộ ngành khẳng định sẽ báo cáo, phân bổ ngân sách phù hợp cho các công trình giao thông trong vùng.
Ngày 22-11, báo Tuổi Trẻ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhìn thẳng vào thực trạng kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Đó là nghẽn cả đường bộ – đường thủy – hàng không, là tính kết nối yếu kém – thua xa những vùng khác, không tương xứng tiềm năng. Trong đó có những dự án đã được đề xuất từ 10-15 năm rồi, nhưng nay mới lập phương án tiền khả thi, gây tổn hại cho phát triển quốc gia cũng như cạnh tranh quốc tế.
Không dám đầu tư
Cụ thể hóa những vướng mắc trong đầu tư tư nhân, ông Đỗ Xuân Quang – đại diện Hãng VietJet – cho biết ngành hàng không tiền không xài được do vướng cơ chế, trong khi doanh nghiệp hàng không đang phát triển mạnh và nhu cầu rất lớn.
Ông Quang cũng khẳng định không thiếu đất nhưng trong hợp đồng có điều khoản “Nhà nước có thể thu hồi bất kỳ lúc nào mà không đền bù” nên không ai dám đầu tư. Về tư nhân đầu tư sân bay đã nêu 5-7 năm nay nhưng đến nay cơ chế còn nửa vời.
“Tôi cứ băn khoăn tại sao Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn chưa khẳng định vai trò trung tâm chuyển tải của khu vực. Như Singapore, người ta có đường bay từ số 1 – 6, phi trường cũng tốt nhất hiện nay. Còn chúng ta có sân bay Tân Sơn Nhất mãi chưa hoàn thiện” – ông Quang nói.
Ông Đỗ Xuân Quang cho biết kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay không chỉ mặt đất mà trên trời cũng bị tắc nghẽn. Sân bay Tân Sơn Nhất là trọng điểm nhưng đã quá tải cả về hành khách và hàng hóa. Dù sân bay Long Thành được xây dựng nhưng với 1,2 triệu tấn hàng hóa lưu thông thì trong tương lai vẫn sẽ quá tải.
Ông Nguyễn Danh Huy – vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải – cho hay việc thực hiện quy hoạch đường cao tốc cho vùng Đông Nam Bộ quá chậm. Nguyên nhân chậm là quyết tâm chính trị từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nguồn lực và khung pháp lý trong phân bổ ngân sách, trong huy động nguồn lực đầu tư tư nhân còn nhiều bất cập.
Chính sách xã hội hóa phải rõ ràng
Theo TS Trần Đình Thiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc thu hút đầu tư tư nhân là rất tốt. Thế nhưng, hiện nay trong điều kiện cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh đã tạo ra những “nguy trong cơ”. Do đó, ông đề nghị phải làm sao để cho cơ chế xã hội hóa “không nguy hiểm”. Cơ chế vận hành lợi ích giữa Nhà nước và tư nhân phải được vận hành tốt. Phải rõ ràng Nhà nước và tư nhân.
TS Trần Đình Thiên đề nghị cách tháo gỡ việc này là phải làm theo nguyên tắc “giao cho người làm tốt nhất, trên cơ sở vì lợi ích chung”. “Cần có cơ chế để đảm bảo an toàn, không gây rủi ro cho những người thực hiện, đi trước và hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và tư nhân trong đầu tư” – ông nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ nguyên nhân. Đó là thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Cơ chế chỉ huy, phối hợp trong vùng không rõ ràng, chương trình hành động của các tỉnh trong khu vực chưa có sự kết nối với nhau.
Theo TS Kiên, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã phát hiện tính kết nối của vùng còn lỏng lẻo nên đã nhiều lần bàn việc này trong thời gian qua. “Các tỉnh thành trong vùng cần phối hợp với nhau để chọn làm cái gì” – TS Kiên nói.
Nhiều ý kiến tại hội thảo nhìn thẳng vào thực trạng kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Đó là nghẽn cả đường bộ – đường thủy – hàng không, là tính kết nối yếu kém – thua xa những vùng khác, không tương xứng tiềm năng.
Nhiều cam kết từ các bộ ngành
Tại hội thảo, nhiều lãnh đạo bộ ngành đã tham gia ý kiến, đưa giải pháp thúc đẩy kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Trước câu hỏi “Có ý kiến cho rằng việc phân bổ nguồn lực chưa được tính toán kỹ khi chưa đặt trọng tâm ở vùng trọng điểm?”, ông Võ Thành Thống – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư – cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí định mức bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó có hướng tới vấn đề “trọng tâm, trọng điểm”.
Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo kế hoạch để trình Chính phủ và trình Quốc hội. Kế hoạch bố trí vốn này phải chờ Quốc hội khóa mới thông qua nhưng ông Thống khẳng định sẽ cố gắng bố trí vốn để đưa các công trình giao thông có tính tháo gỡ các nút thắt ở vùng Đông Nam Bộ cho giai đoạn phát triển tới.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay trên cả nước, các tổ chức tín dụng đã cam kết tài trợ cho 120 dự án kết cấu hạ tầng với tổng số tiền gần 180.000 tỉ đồng, trong đó có 20 dự án tại vùng Đông Nam Bộ. Nhu cầu vốn của những dự án này lớn, thời gian kéo dài trên 20 năm. Trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn nên khó cân đối.
Ngoài ra, theo vị này, do chính sách thu phí thay đổi, doanh thu của các chủ đầu tư hạ tầng giao thông không đủ để trả nợ cho ngân hàng. Hiện có 50/120 dự án trong đó doanh thu dự án không đạt dự kiến ban đầu. Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng, Nhà nước phải đảm bảo thu phí ổn định. Đồng thời, Nhà nước tăng cường đầu tư công, chủ đầu tư tăng nguồn vốn tự có, cũng như phát hành trái phiếu dự án…
Ông Lê Anh Tuấn – thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải – đánh giá những ý tưởng nhằm thúc đẩy hạ tầng cho khu vực Đông Nam Bộ tại hội thảo là thiết thực, không chỉ phát triển cho vùng mà tăng sự cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo để tham mưu Chính phủ xem xét và điều hành.
Trong thời gian chưa thành lập được “hội đồng vùng Đông Nam Bộ”, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục và tích cực hơn nữa làm “cầu nối” cho các dự án kết nối giữa các địa phương và kết nối vùng Đông Nam Bộ như: chuẩn bị để cố gắng khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch vào quý 4-2021; phối hợp HĐND TP.HCM sớm thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài để tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo; nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 6 làn lên 8-10 làn xe.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư để báo cáo, phân bổ ngân sách phù hợp cho các công trình giao thông trong vùng Đông Nam Bộ” – ông Tuấn nói.
Đ.HÀ – B.SƠN – A LỘC/TTO