Sẽ là tội ác nếu ngăn cản bước chân trẻ quay lại trường
Trẻ em, thanh thiếu niên luôn được quan tâm chăm sóc đặc biệt của xã hội bởi đây là nhóm người dễ bị tổn thương. Lợi dụng chính điểm này, mới đây, trang BBC News tiếng Việt đã tán phát thông tin “nếu không tiêm vaccine, học sinh không thể đến trường”, “phụ huynh lo lắng không biết tác dụng phụ của vaccine ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em như thế nào”. Từ đó cho rằng “chính quyền ép buộc phải tiêm vaccine mới cho học sinh đến trường”, tạo làn sóng tẩy chay tiêm vaccine cho trẻ em.
Cả nước đang bước vào giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nên chuyện các em học sinh quay trở lại trường học trực tiếp sẽ sớm diễn ra. Các trường THCS, THPT đã và đang tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh thông qua đường link online để chuẩn bị cho công tác tiêm phòng trong thời gian sắp tới. Việc lấy ý kiến hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng: “Không quy định trẻ em phải tiêm mới được đến trường. Chỉ khi phụ huynh hay người giám hộ cho trẻ đồng ý thì mới được tiêm chủng”. Chính vì vậy, thông tin “không tiêm vaccine thì không được đến trường học trực tiếp” do trang BBC News tiếng Việt tán phán là không chính xác và nói “chính quyền ép buộc phải tiêm vaccine mới cho học sinh đến trường” là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt.
Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, chúng ta phải thừa nhận đã có rất nhiều trẻ em trở thành F0, F1, phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế. Tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 khá cao so với những đợt dịch trước. Theo số liệu thống kê, tính đến 1.9, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0 và F1, trong đó có hơn 11.800 trẻ em là F0. Trong đó, TPHCM là địa phương có số trẻ em là F0 và F1 cao nhất cả nước, với khoảng hơn 3.000 trẻ. Như vậy có thể thấy được nguy cơ trẻ em mắc Covid-19 là rất cao. Nhận thấy được sự nguy hiểm này từ lâu nên ngay những ngày đầu đàm phán ngoại giao vaccine với các nước phát triển như Mỹ, Úc,… Chính phủ đã chủ động đề nghị các nước viện trợ vaccine tiêm phòng cho trẻ em, chứ chưa cần nói đến việc đến trường học hay không.
Dù là tiêm phòng cho người lớn hay trẻ em thì Việt Nam vẫn đặt yếu tố an toàn và hiệu quả vaccine lên hàng đầu. Dựa trên việc hãng sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt với lượng kháng thể trung hòa cao ngang ngửa với người lớn. Cùng với việc vaccine Pfizer đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng nên Chính phủ nước ta đã quyết định thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em với vaccine Pfizer.
Có một câu nói thường được nhắc đến: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ” để nhắc nhở tất cả chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Do vậy nhóm trẻ em, cũng như các nhóm “nhạy cảm” khác như phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, người già, người có bệnh nền nguy hiểm,… luôn được ưu tiên sử dụng những loại vaccine được xem là tốt nhất. Huống hồ liều lượng sử dụng cũng được tính toán rất kỹ, chỉ dùng 10 microgram, thay vì dùng 30 microgram cho mỗi liều, thời gian giữa 2 liều được giữ nguyên là 21 ngày để tránh tác dụng phụ. Đây là những cơ sở khoa học giúp phụ huynh nào đồng ý cho con em tiêm chủng vaccine có thể yên tâm về hiệu quả và tác dụng phụ của vaccine.
Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ trẻ em trước “nanh vuốt” của con thú dữ Covid-19 đang bị trang BBC News tiếng Việt thêu dệt, bóp méo nhằm phá vỡ chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Thậm chí, với thủ đoạn tung tin và tán phát thông tin sai lệch tiêu cực như BBC News tiếng Việt còn tạo ra luồng dư luận xấu, người dân lo ngại, nghi ngờ về những chính sách và Chính phủ đang thực hiện. Chính vì vậy, trong một rừng thông tin tốt xấu lẫn lộn như hiện nay, mỗi chúng ta cần tự trang bị cho mình kiến thức, cũng như kỹ năng phân biệt tin giả, tự loại bỏ thông tin xấu độc và cùng chung tay với đất nước.
Đặng Trường