Sẽ không để có tình trạng “những ông vua con” xem nhẹ dân!
Việc một số cán bộ bỏ ngoài tai ý kiến của dân, thậm chí trước mỗi nhiệm kỳ thì tỏ ra gần dân nhưng khi đã bầu xong xuôi thì mọi lời hứa rơi vào quên lãng không phải là hiếm.
Nói về sức mạnh của nhân dân, hơn 600 năm trước, Thi hào Nguyễn Trãi viết: “Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi việc gần dân, tôn trọng dân và phục vụ nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cách đây khoảng 70 năm, Nhà thơ Thanh Tịnh đã từng viết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tại chương trình gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng ngày 11.10 vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định:
“Những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua, có sự đóng góp to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.
Cũng trong ngày 11.10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói về yêu cầu công tác nhân sự: “Các đại biểu cần bám sát đề án công tác nhân sự, cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt quan tâm những tiêu chí quan trọng để lựa chọn những cán bộ thực sự tâm huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên hết…”.
Những điều trên cho thấy không chỉ trong văn chương hay sử sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tinh thần gần dân, tôn trọng nguyện vọng và lắng nghe ý kiến nhân dân.
Công bằng nhìn lại, gần đây, nhiều ý kiến của người dân đã được lắng nghe và tôn trọng. Một số chính sách không hợp lòng dân đã được sửa chữa hoặc hủy bỏ kịp thời.
Song, nhìn từ thực tế, ở một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng xa dân, thiếu niềm tin vào dân và có cả tư tưởng coi thường nhân dân.
Tại một phiên thảo luận của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đã nói rằng việc giải thích nguồn gốc tài sản nhờ “làm thối móng tay”, “em nuôi cho” hay do “cha mẹ để lại và thực hành tiết kiệm”… là thái độ “coi thường dân” và “nghĩ dư luận là mù”…
Việc một số cán bộ bỏ ngoài tai ý kiến của dân, thậm chí trước mỗi nhiệm kỳ thì tỏ ra gần dân nhưng khi đã bầu xong xuôi thì mọi lời hứa rơi vào quên lãng không phải là hiếm.
Những việc làm này không chỉ trái với truyền thống dân tộc mà còn đi ngược lại với chủ trương “của dân, do dân và vì dân”.
Đây chính là cái họa “Lật thuyền cũng là dân” mà Nguyễn Trãi đã từng cảnh báo.
Vì thế, mong rằng cơ cấu cán bộ trong nhiệm kỳ tới sẽ thẳng tay loại bỏ “những ông vua con – Lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”, những người “coi dân như cỏ rác” và cả những ai không biết đặt lợi ích của “nhân dân lên trên hết – Bí thư Vương Đình Huệ”.
Có lẽ cũng cần nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” mà Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã dẫn ở trên.
Bùi Hoàng Tám/DT