Sẽ không còn thời… “giáo sư tháo khoán”!
Hi vọng rằng năm nay, các Hội đồng ngành và Hội đồng Nhà nước sẽ làm việc thật sự nghiêm túc, trách nhiệm để xóa đi điều tiếng “chuyến tàu vét” hay “chức danh thời… tháo khoán” của năm 2017!
Thực tình thì những lời nói ấy chưa hẳn đã thuyết phục được niềm tin vốn không còn nhiều đối với việc phong tặng này nếu không có các lý do mà đầu tiên không thể không kể đến là vụ “ban phát công danh” đầy tai tiếng năm 2017 với 1226 người.
Hậu quả, dư luận và báo chí phản ứng dữ dội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải báo cáo… Cuối cùng, Hội đồng phải rà soát lại và một số người đã bị loại khỏi danh sách, năm 2018 còn phải dừng việc phong tặng này lại.
Trước đó, năm 2016 số người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư là 702 người và nếu cộng cả 2 năm, số lượng lên tới gần 2.000 người. Một con số khủng khiếp bổ sung cho đội ngũ trí thức vốn đã “khổng lồ” về chức tước, công danh mà “khiêm tốn” các công trình khoa học.
Báo chí khi đó gọi đây là năm “được mùa”, “bội thu” của giới tinh hoa nước Việt, đồng thời “mát mẻ” rằng với đội ngũ trí thức hùng hậu như thế này, chắc chả mấy chốc mà nước ta thành rồng, hóa hổ. Những công trình khoa học sẽ “như nấm mùa xuân”, đâm chồi nảy lộc, góp phần to lớn cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội nước nhà.
Có người còn gọi vụ việc này là “chuyến tàu vét” hay “giáo sư thời… tháo khoán”.
Rất may là năm nay, bước đầu cho thấy chỉ có 725 người đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, trong đó có119 ứng viên Giáo sư, 606 ứng viên Phó Giáo sư.
Như vậy xét về số lượng, dù là gộp thời gian của 02 năm (2018 – 2019), song số người tham gia xét công nhận chỉ tương đương 01 năm (2016) và chỉ bằng già một nửa của năm 2017.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng như vậy vẫn là nhiều bởi so với thành tựu và những đóng góp cho đời sống thì chưa tương xứng.
Người viết bài này không có con số để so sánh và có thể cũng rất khó để so sánh với các quốc gia khác để mà nói nhiều hay ít.
Song, bỏ qua những tiêu cực (nếu có), chỉ xét sự dễ dãi (cả tiêu chí lẫn tình cảm cá nhân) thì chính các vị trong hội đồng đã làm “rẻ” đi giá trị của chức danh cao quý này.
Mặt khác, cũng không thể không nhắc tới, đó là những lợi ích vật chất mà nói như PGS.TS Ngô Tứ Thành – Đại học Bách Khoa Hà Nội: “GS/PGS tăng đột biến, sau một đêm ngủ lương tăng gấp đôi”.
Hi vọng rằng năm nay, các Hội đồng ngành và Hội đồng Nhà nước sẽ làm việc thật sự nghiêm túc, trách nhiệm để xóa đi điều tiếng “chuyến tàu vét” hay “chức danh thời… tháo khoán” của năm 2017!
Bùi Hoàng Tám