+
Aa
-
like
comment

Sẽ không còn chỗ chứa tro xỉ của nhiệt điện than?

Thành Nhân - 02/01/2020 10:12

Các nhà máy nhiệt điện than ở trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh) đang phát sinh lượng tro xỉ rất lớn.

Những ngày này, đại công trường bãi chứa tro xỉ (tro bay và xỉ đáy lò) rộng khoảng 40ha của Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân tấp nập công nhân, xe cơ giới, xe vận chuyển ra vào.

Sớm vượt công suất thiết kế

Bãi cao gần 30m, chia thành nhiều ô với công suất thiết kế tích trữ khoảng 13 triệu tấn tro xỉ. Đây là nơi tích trữ tro xỉ của 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Hiện nay nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng đang xây dựng nên lượng tro xỉ mới chỉ phát sinh từ hai nhà máy còn lại.

Tại bãi chứa đã có nhiều ô tích trữ đầy tro xỉ, phần còn lại đang đổ vào san lấp, lu lèn. Công nhân thay phiên phun nước giữ ẩm, tránh bụi phát tán. Tại những ô đã chứa đầy tro xỉ xuất hiện nhiều điểm xói lở do ảnh hưởng của cơn mưa lớn kéo dài thời gian qua.

Đứng trên triền đê bãi chứa này sẽ quan sát được hết các khu dân cư vùng ven và trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cách đó khoảng 2km. Cạnh đó là bãi chứa tro xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 1 diện tích khoảng 60ha, hoạt động khoảng 2 tháng nay.

Một ô chứa trong bãi tại trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đã tích trữ đầy tro xỉ – Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo ông Lý Tư Trí – phó giám đốc Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân, lượng tro xỉ tại các bãi chứa hiện nay gần 4,5 triệu tấn.

Mỗi ngày, cả ba nhà máy tại trung tâm đang hoạt động phát sinh khoảng 10.000 tấn tro xỉ. Tuy nhiên đến nay chỉ có vài đơn vị tiêu thụ nên lượng tồn đọng đã đạt mức báo động.

Tại Trà Vinh, NMNĐ Duyên Hải đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Tính đến nay lượng tro xỉ phát sinh gần 3,2 triệu tấn. Do chỉ mới tái sử dụng được một phần nhỏ (khoảng 684.000 tấn) nên lượng tro xỉ tồn tại bãi hiện hơn 2,5 triệu tấn.

“Với tình hình này, bãi chứa tro xỉ chỉ đáp ứng được trong 2-3 năm nữa. Bộ Khoa học – công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp. Giờ chỉ còn chờ Bộ Xây dựng ra thông tư hướng dẫn nữa là giải quyết được vấn đề tro xỉ của NMNĐ Duyên Hải” – ông Âu Nguyễn Đình Thảo, phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải, cho biết.

Hiện toàn bộ lượng tro xỉ chưa tiêu thụ được lưu trữ tại bãi xỉ Duyên Hải 1 có diện tích 31ha và bãi xỉ chung của Duyên Hải 3 và 3 mở rộng có diện tích 19ha. Như vậy, các bãi xỉ vẫn còn chứa được gần 3,5 triệu tấn.

Với lượng tro xỉ phát sinh khoảng 5.250 tấn/ngày thì có thể chứa được 2-3 năm nữa.

San lấp, sản xuất gạch, ximăng…

Khi xây dựng các NMNĐ ở Vĩnh Tân, chủ đầu tư có tính đến bài toán tiêu thụ tro xỉ không? Ông Lý Tư Trí thừa nhận chưa tính tới vấn đề này và xem việc xây dựng bãi chứa tro xỉ như là phương án dự phòng để tích trữ.

Ông thấy tro xỉ ở các NMNĐ than phía Bắc tiêu thụ nhanh, không tồn đọng nên nghĩ rằng tại Vĩnh Tân cũng như vậy.

Đến khi vào vận hành, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân mới ký hợp đồng với một công ty tiêu thụ 50% lượng tro bay (khoảng 2.250 tấn) phát sinh hằng ngày tại NMNĐ Vĩnh Tân 2 (4.500 tấn) để sản xuất gạch không nung.

UBND Bình Thuận đã đồng ý chủ trương này từ năm 2017 nhưng đến nay chưa triển khai được.

Đối với số tro xỉ tồn đọng còn lại tại các nhà máy, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cùng Tổng công ty Phát điện 3 (EVN GENCO 3) và Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, các đơn vị này đang phát hành hồ sơ mời chào dịch vụ tiêu thụ, xử lý, lựa chọn các đối tác năng lực dùng vào việc phối trộn san lấp, sản xuất ximăng, đúc khối bêtông chắn sóng (TETRAPOD)…

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng gợi ý các đơn vị nghiên cứu sử dụng tro xỉ này vào việc san lấp cho những dự án cao tốc sắp tới đi qua địa phương.

Vừa qua, Bộ Khoa học – công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12249:2018) tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp.

Trên cơ sở tiêu chuẩn này, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã gửi mẫu tro bay, xỉ đáy lò, nước chiết từ hỗn hợp tro xỉ, cũng như hoạt độ phóng xạ và chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn của hai NMNĐ Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 đến các đơn vị có chức năng phân tích.

Kết quả phân tích cả 2 NMNĐ đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên đó chỉ mới là dự kiến, lượng tro xỉ đang phát sinh hiện nay tại trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn dùng biện pháp thủ công là chôn lấp tại các bãi chứa.

Về nguyên nhân chưa giải quyết triệt để đầu ra, ông Trí cho rằng do Bộ Xây dựng chưa ban hành thông tư hướng dẫn quy chuẩn phối trộn tro xỉ cho từng mục đích sử dụng.

Hiện nay các đơn vị tiêu thụ đang chờ quy chuẩn này để sử dụng tro xỉ cho nhiều mục đích như san lấp, bồi nền, làm ximăng…

Trong khi đó, theo ông Âu Nguyễn Đình Thảo, để đẩy mạnh công tác tiêu thụ, xử lý tro xỉ phát sinh, Tổng công ty Phát điện 1 đã giao Ban quản lý dự án nhiệt điện 3 và công ty triển khai đầu tư xây dựng đường ống dẫn tro xỉ từ nhà máy ra cảng để vận chuyển làm vật liệu xây dựng bằng đường biển với chi phí hơn 77 tỉ đồng, dự kiến trong quý 2-2019 đưa vào vận hành.

Hiện công ty đang hoàn thiện đề án tiêu thụ tro xỉ. Đồng thời, Công ty nhiệt điện Duyên Hải đã ký hợp đồng mua bán tro xỉ với một số doanh nghiệp để tuyển lại thành phần tro xỉ, làm phụ gia trong lĩnh vực xây dựng và cung cấp cho thị trường nước ngoài…

Trước đó, tháng 5-2018, một công ty đã đến khảo sát thực tế để xúc tiến đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc và sẽ trở thành nhà tiêu thụ tro xỉ lâu dài, ổn định của các nhà máy NMNĐ Duyên Hải.

Với việc ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp, cơ quan quản lý nhà nước có đảm bảo bảo vệ môi trường và cuộc sống người dân khi sử dụng vật liệu này để san lấp mặt bằng? TTCT đã gửi đến các cơ quan chức năng câu hỏi này, nhưng đáng tiếc, phần trả lời chúng tôi nhận được chưa thỏa đáng.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn câu hỏi và trả lời đã nhận được.

Ngưng xây dựng nhà máy nhiệt điện than để bảo vệ sức khỏe người Việt

Ngưng xây dựng nhà máy nhiệt điện than để bảo vệ sức khỏe người Việt Nam, đó là một trong những kiến nghị của các liên minh tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền – sức khỏe – môi trường – năng lượng – pháp lý vừa gửi tới Chính phủ.

Nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện đốt than để tránh tàn phá môi trường

Mới đây tại Hà Nội, các liên minh tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền – sức khỏe – môi trường – năng lượng – pháp lý (các liên minh) đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.

Tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ cao độ của tất cả các liên minh với kết luận của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới thì dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh. “Kết luận này của Thủ tướng Chính phủ cũng là câu trả lời cho phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trước đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình” – các liên minh nhận định.

Trong tuyên bố này, các liên minh đã nhấn mạnh về nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh tại Việt Nam.

Tuyên bố đưa ra quan điểm đồng thuận về các nguồn năng lượng mới có thể thay thế bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trên thế giới đang xuất hiện trào lưu rút vốn khỏi các nguyên liệu hóa thạch với số lượng ngân hàng thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than ngày một nhiều để chuyển sang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng bền vững.

Bà Bùi Thị An – cựu Đại biểu Quốc hội, đại diện Nhóm Công lý, môi trường và sức khỏe nhấn mạnh tại buổi tọa đàm công bố Tuyên bố: “Chính phủ nên tính toán giá minh bạch và đầy đủ của nhiệt điện than từ đó mới có thể so sánh với các dạng năng lượng khác để chúng ta lựa chọn đúng với mục tiêu phát triển bền vững 3 trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Dứt khoát không đánh đổi kinh tế với môi trường, đảm bảo môi trường trong sạch cho mọi người dân chúng ta, sống không bệnh tật, sống khỏe để xây dựng đất nước Việt Nam”.

Kết luận tuyên bố, các liên minh đã đưa ra 3 đề xuất: Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than mới để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án ; Song song, cần chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Cuối cùng, phải bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.

Tieu Diem (Tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều