Sẽ khởi công xây dựng “siêu sân bay” Long Thành vào năm 2021
Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thành vào quý II/2021, hoàn thành vào năm 2025.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Bộ Giao thông vận tải – cho biết: Từ tháng 5/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) – cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước đã chủ trì họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (HKQT). Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ACV tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ để trình lại.
Hiện tại, ACV đã trình lại báo cáo FS. Tổ thẩm định đang xem để báo cáo lại Hội đồng thẩm định, làm cơ sở để Hội đồng tổ chức bỏ phiếu thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.
“Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trong tháng 7 này, ACV sẽ phấn hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết và phấn đấu khởi công dự án vào quý II/2021, hoàn thành vào năm 2025” – Cục QLXD&CLCTGT cho hay.
Cuối năm 2019, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD. Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, GPMB và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015 về chủ trương đầu tư Dự án CHK Long Thành.
Quốc hội cũng giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.
Về phương án huy động vốn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; Bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.
Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng song Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Cuối cùng, Quốc hội cũng nhất trí bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào Dự án: Tuyến số 1 nối với QL51; Tuyến số 2 nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cuối tháng 11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành gồm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; giao Chính phủ chọn nhà đầu tư.
Quốc hội lưu ý, vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải là “vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ”. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỷ USD).
Hoài Nam (t.h)