+
Aa
-
like
comment

Sẽ còn rất nhiều cái chết tức tưởi nếu tội phạm ma túy vẫn được coi là bệnh nhân

30/10/2020 12:02

Vụ việc cháu nữ sinh ngân hàng bị sát hại trên sông Nhuệ khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều vấn đề. Đọc lời khai của 2 hung thủ, chúng ta không khỏi gai người. Báo chính thống đưa tin, “Thấy H. van xin, Trung nhảy xuống dìm H. xuống nước. Không thấy em cử động nữa, Trung mới đẩy ra lòng sông”. Sau đó, chúng bán đồ đạc cướp được lấy 3,3 triệu đồng đem đi tiêu xài, mua ma túy để dùng. Hai đối tượng đều là những kẻ nghiện, hành sự khi vừa thực hiện một vụ ăn cắp trên địa bàn khác. Ma túy đã biến các đối tượng này thành những con qủy mất hết tính người.

Sau vụ việc trên, theo tôi nghĩ, chúng ta nên xem xét lại có nên coi người nghiện là bệnh nhân hay không? Trước đây, thời điểm năm 2014 trở về trước, tội phạm mai túy về cơ bản bị trấn áp, nghiện được coi là tội phạm nguy hiểm cho xã hội, phải cưỡng chế đi cai nghiện bắt buộc. Cả xã hội lên án những người nghiện, và vì thế, tình trạng buôn bán ma túy được kiểm soát.

Nhưng kể từ năm 2014, mọi sự đã thay đổi rất nhiều, người nghiện đột nhiên không còn là tội phạm nữa, mà nghiễm nhiên trở thành bệnh nhân, chỉ bị xử phạt hành chính. Như nắng hạn gặp mưa rào, số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam tăng cao đột biến. Thậm chí, tình trạng sử dụng mai túy còn công khai ở các quán bar, karaoke… Mà đâu chỉ mình họ sử dụng, người nghiện có nhiều hành vi tiêu cực như tụ tập, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý; trốn tránh, bất hợp tác khi cai nghiện; cờ bạc, đánh chửi bố mẹ, vợ con, nhiễm thói hư, tật xấu cho những người gần gũi; gây thương tích, chống người thi hành công vụ, phá rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, tiếp tay, bảo kê cho mại dâm, làm lây truyền HIV… Chỉ cần có tiền, không khó để thanh thiếu niên có thể tiếp cận với cỏ, ke hay các loại chất mai túy tổng hợp khác.

Mỗi năm, nước ta có thêm hàng nghìn thanh, thiếu niên dấn thân vào ma túy, tự tàn phá cuộc đời mình, hàng nghìn gia đình lâm vào bế tắc, khổ đau. Nhân đạo, nhân văn với người nghiện không có nghĩa là không làm gì khác ngay cả những hành vi đó ảnh hưởng lớn đến xã hội trong thời điểm các biện pháp vận động, tuyên truyền, cai nghiện không áp dụng được. Bảo đảm quyền con người ở một quốc gia không gì hơn là bảo đảm cho quảng đại công dân được quyền sống an bình, mưu cầu hạnh phúc, không nơm nớp sợ hãi hành vi của người nghiện, lo lắng con cháu mắc vào tệ nạn xã hội.

Cô nữ sinh vô tội kia, chính ra đã không phải chết, nếu 2 tên nghiện đó được ở đúng chỗ xưa nay của chúng nó: Giường xi măng sau song sắt của trại cai.

Lê Dung Anh

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều