Sẽ có chế tài xử phạt nghiêm hành vi xâm hại trẻ em
Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 26/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, sau khi Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao về vấn đề này, sẽ có chế tài xử phạt nghiêm tội phạm có hành vi xâm hại trẻ em.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày mai (27/5), Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sẽ có chuyển biến tích cực nhằm xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em
Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sau đó các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 26/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, sau khi Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao về vấn đề này, sẽ có chế tài xử phạt nghiêm tội phạm có hành vi xâm hại trẻ em.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho biết, báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy, vấn đề xâm hại trẻ em đã và đang xảy ra, một trong những nguyên nhân là do công tác truyền thông, giáo dục và sự hiểu biết của trẻ em, phải làm sao để nhận ra hành vi nào được coi là xâm hại, nhằm ngăn chặn kịp thời cũng như cung cấp kỹ năng để trẻ em phòng, chống loại tội phạm này đạt được hiệu quả cao như mong muốn.
“Do đó, sau đợt giám sát tối cao, cần đưa việc giáo dục về các hành vi xâm hại vào nhà trường nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em. Đồng thời, đào tạo cho các em những kỹ năng cần thiết để phòng, chống hành vi này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Đại biểu bày tỏ tin tưởng, ngay sau đợt giám sát tối cao, sẽ có những chuyển biến tích cực nhằm xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em cũng như nâng cao nhận thức cho trẻ em trong việc phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em
Theo Văn phòng Quốc hội, nội dung báo cáo này có 5 phần, trong đó đánh giá tình hình chung, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện chính sách, pháp luật, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; những giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
Theo nội dung báo cáo, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, như: Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn lớn, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường.
Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản pháp luật chưa kịp thời, còn thiếu những văn bản chuyên ngành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Công tác hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại chưa phản ứng kịp thời. Từ đó, báo cáo chỉ ra những nhóm nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm; đồng thời đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
Liên quan tới nội dung này, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, tại phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 9 vào ngày 18/6 tới.
Mệnh lệnh từ Thủ tướng nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, rà soát kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em, đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách pháp luật và bảo vệ trẻ em.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn, hoặc không hỗ trợ can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.
Trước đó, cho biết về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng trên thế giới về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Cho rằng Chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là “mệnh lệnh từ Thủ tướng nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chỉ thị của Thủ tướng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời nêu lên những giải pháp mạnh, thiết thực hơn để giải quyết vấn đề về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thanh Nhung/DS