Sẽ chi trả hỗ trợ cho hơn 10 triệu người khó khăn qua tài khoản cá nhân
Người lao động thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân.
Ngày 28/9, ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết trên 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Song gần 2 triệu lao động trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không hưởng gói hỗ trợ lần này.
Với 13 triệu lao động được hưởng hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng, thông tin đã nằm sẵn trong hệ thống dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Cơ quan này sẽ tự xác định người hưởng thông qua mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đóng.
Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được chi trả qua tài khoản cá nhân. Lao động chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản. Bảo hiểm xã hội sẽ chuẩn bị sẵn thông tin liên quan như căn cước, số CMT và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để người lao động đối soát. Việc này đảm bảo tính minh bạch, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Người lao động không mở tài khoản ngân hàng, tiền mặt sẽ được chuyển về doanh nghiệp để tự chi trả. Song Bảo hiểm xã hội khuyến cáo các đơn vị, doanh nghiệp sớm mở tài khoản cho người lao động để nhận tiền nhanh nhất, chính xác, hạn chế đi lại.
2,5 triệu lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 và đang bảo lưu thời gian đóng, không còn làm việc ở doanh nghiệp, đã về địa phương sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện tại nơi đó giải quyết thủ tục. Khi trực tiếp đến làm hồ sơ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ in sẵn thông tin, xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số tiền được hưởng, để người lao động đối chiếu dữ liệu.
Theo ông Sơn, để giải ngân xong gói an sinh trong vòng 1,5 tháng như tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cần một nền tảng dữ liệu thông tin lớn. Khó nhất là chi trả cho 2,5 triệu lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện tản mát về các địa phương sinh sống. Song hệ thống bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng nguồn lực con người lẫn kinh phí để triển khai chính sách từ 1/10 theo quy định.
Ngoài 13 triệu lao động, 380.000 doanh nghiệp cũng được hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ căn cứ vào dữ liệu có sẵn, hằng tháng in đối chiếu thanh toán số phải thu nộp để tự động trừ cho doanh nghiệp.
Tổng kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 38.000 tỷ đồng, gồm 30.000 tỷ đồng chi trả tiền mặt trực tiếp cho người lao động và 8.000 tỷ đồng thông qua giảm mức đóng cho doanh nghiệp. Theo ông Sơn, Quỹ hiện kết dư hơn 89.100 tỷ đồng, nên số kinh phí hỗ trợ không ảnh hưởng nhiều.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.
Ông Lê Hùng Sơn cũng cho biết: Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 đến nay, những người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương, sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Trước đó, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Duy Khoa