Quân đội Trung Quốc tiếp quản “quyền lực chiến tranh” theo Luật Quốc phòng mới
Trung Quốc đã mở rộng quyền lực của Quân ủy Trung ương để điều động các nguồn lực quân sự và dân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, cả trong và ngoài nước.
Các điều khoản sửa đổi Luật Quốc phòng Quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã giảm bớt vai trò của Quốc vụ viện trong việc hình thành chính sách quân sự, trao quyền lực ra quyết định cho Quân ủy Trung ương.
Lần đầu tiên việc bảo vệ “các lợi ích phát triển” được thêm vào luật như lý do để huy động binh sĩ và các lực lượng.
Luật sửa đổi cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp toàn quốc để huy động các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu công nghệ quốc phòng mới – bao gồm vũ khí truyền thống, lĩnh vực an ninh mạng, không gian và điện từ.
Giới phân tích chính trị và quân sự nói rằng các điều khoản sửa đổi trên nhằm tăng cường sự lãnh đạo quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình, cung cấp các nền tảng pháp lý để đối phó với những thách thức xuất phát từ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Deng Yuwen – cựu Phó chủ biên của từ Study times – nói rằng các điều sửa đổi nhằm hợp pháp hóa và chính thức áp dụng bản chất “đặc biệt” của hệ thống quốc phòng và chính trị Trung Quốc, khi phải đối phó với những tình huống có thể gây tổn hại tới chính quyền cả trong và ngoài nước.
“Bản chất chính trị của Trung Quốc rất khác so với nhiều quốc gia…không bất ngờ gì khi Trung Quốc tăng cường quyền lãnh đạo của Quân ủy Trung ương vào thời điểm quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ phải bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên toàn thế giới” – ông Deng, hiện là phân tích gia độc lập tại Mỹ, nói.
Chen Daoyin – chuyên gia bình luận chính trị độc lập từng là Giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị và Luật pháp tại ĐH Thượng Hải – nói rằng sự thay đổi trên cho thấy chính quyền Trung Quốc đã có đủ sự tự tin để hợp pháp hóa nguyên tắc lâu nay của họ là Đảng nắm quyền lực tuyệt đối với các lực lượng vũ trang và dự phòng.
“Việc thêm vào “các lợi ích phát triển” như một nguyên nhân để huy động vũ trang và khai chiến trong luật, sẽ cung cấp nền tảng pháp lý để Trung Quốc khởi động chiến tranh một cách hợp pháp để bảo vệ lợi ích phát triển của đất nước” – ông Chen nói.
Zeng Zhiping – chuyên gia luật tại ĐH Soochow, Đài Loan – nói rằng một trong những thay đổi lớn nhất trong Luật Quốc phòng chính là trao thêm quyền cho Quân ủy Trung ương.
“Quân ủy Trung ương giờ chính thức chịu trách nhiệm đưa ra chính sách và các nguyên tác quốc phòng quốc gia” – ông Zeng, một tướng PLA nghỉ hưu, nhận định – “Đây là sự tương phản lớn nếu so sánh với các nước phát triển như Israel, Đức và Pháp, vốn đặt lực lượng vũ trang dưới quyền lãnh đạo dân sự”.
Chuyên gia quân sự ở Đài Loan, Chi Le-yi, nói rằng những điều sửa đổi trên cho thấy một phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách bao vây chiến lược toàn diện của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh.
“Trung Quốc giờ đang nhận thức rõ về cuộc khủng hoảng khi họ phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh mới, điều này buộc PLA phải áp dụng chính sách quốc phòng mới” – ông Chi nhận định – “Điều sửa đổi cũng là lời kêu gọi mang tính biểu tượng của chính quyền nhằm cảnh báo mọi người dân Trung Quốc trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh điều động quốc phòng toàn quốc”.
Các điều sửa đổi mới được thông qua vào ngày 26/12 năm ngoái, sau 2 năm thảo luận. 3 điều sửa đổi được gỡ bỏ, hơn 50 điều được sửa, trong khi có 6 điều mới.
Huyền Chi