+
Aa
-
like
comment

SCMP: Bố mẹ ra tòa vì đăng ảnh riêng tư của con lên mạng

04/01/2021 19:49

“Trẻ em có quyền riêng tư, nhưng cha mẹ lại lấn át điều đó. Khi người lớn chia sẻ nội dung về con cái lên mạng, họ không hỏi sự cho phép từ đứa bé”, một luật sư nói.

Zing trích dịch bài đăng SCMP, Aljazeera đề cập đến những rủi ro từ xu hướng đăng tải ảnh con cái lên mạng xã hội của nhiều bậc cha mẹ.

Kể từ khi ra đời, những bức ảnh về cặp song sinh người Singapore Leia – Lauren (5 tuổi) đã được cha mẹ, Peter Lok (44 tuổi) và Ember Yong (37 tuổi), đăng tải lên Instagram. Chứng kiến hai bé lớn lên từng ngày, cư dân mạng thường xuyên dành lời chúc tốt đẹp tới gia đình dưới phần bình luận.

Với hơn 300.000 lượt theo dõi, tài khoản Instagram @Leialauren là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu “mommy blog” – trang blog về con cái do những ông bố, bà mẹ thực hiện. Nhờ đó, Lok và Yong nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các nhãn hàng, ưu đãi khi đi du lịch và nhiều phần quà miễn phí cho cặp song sinh.

dang anh con len mang anh 1
Nhờ đăng tải hình ảnh về cặp song sinh 5 tuổi Lauren và Leia, vợ chồng Lok nhanh chóng nhận được nhiều lời mời quảng cáo từ nhãn hàng. Ảnh: Singapore’s Child.

Dù vợ chồng Lok không tiết lộ số tiền kiếm được từ danh tiếng của hai con, SCMP cho biết các “mommy blogger” nổi tiếng ở đảo quốc sư tử có thể thu 19.000 USD cho mỗi bài đăng quảng cáo.

Từ đó, cụm “sharenting” ra đời nhằm miêu tả xu hướng chia sẻ trải nghiệm làm cha mẹ trên Internet. Song, không ít ý kiến cho rằng các bậc phụ huynh hiện chưa ý thức được những rủi ro có thể xảy ra khi đăng tải quá nhiều thông tin về con cái lên mạng xã hội.

Mối lo về danh tínhNgày nay, phần lớn khoảnh khắc riêng tư thuộc về con trẻ như thời khắc chào đời hay ngày rụng chiếc răng đầu tiên đều được các ông bố, bà mẹ cập nhật lên mạng. Năm 2016, nghiên cứu từ Anh cho thấy một đứa bé 5 tuổi sở hữu trung bình 1.500 tấm ảnh trên Internet, hàm chứa lượng lớn thông tin cá nhân quan trọng.

Với nhiều bậc phụ huynh, mạng xã hội giống như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình trưởng thành của con cái. Lalita Iyer (52 tuổi), nhà văn người Ấn Độ sống tại Mumbai, từng viết về cuộc đời mình trên Hindustan Times.

Bà chuyển sang viết blog trên trang Mommygolightly sau khi sinh con trai Rehaan và cho ra mắt 20 cuốn sách lấy cảm hứng từ trải nghiệm làm mẹ. “Hành trình nuôi dạy con cái không hề dễ dàng. Tôi phải nghỉ việc, vừa làm mẹ, vừa viết sách. Ban đầu, tôi chỉ viết trên Facebook cá nhân, rồi dần xây dựng thành một trang blog”.

Nhưng khi con trai lớn dần, bà dần cẩn trọng hơn với những nội dung mình đăng tải.

dang anh con len mang anh 2
Nhà văn Lalita Iyer tôn trọng quyết định của con trai khi cậu bé không muốn chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Ảnh: Lalita Iyer.

“Dù các bài viết đều hướng tới lan tỏa tình yêu thương và sự tích cực, nó vẫn khiến cuộc sống gia đình tôi phần nào phơi bày trước công chúng. Khi Rehaa lớn, nó tỏ ý không muốn tiếp tục xuất hiện trên Internet và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Trẻ em có giới hạn riêng, ta không thể làm điều chúng không muốn”.

Shakti Salgaokar (42 tuổi) là mẹ của một cặp song sinh 2 tuổi rưỡi. Cô cho biết vợ chồng mình thống nhất không đăng ảnh con lên mạng như bao bạn bè khác.

“Chúng tôi nghĩ việc này tồn tại nhiều rủi ro. Với trình độ công nghệ ngày nay, việc đánh cắp thông tin, danh tính để sử dụng cho những mục đích xấu quá dễ dàng”, Salgaokar nói.

“Với tư cách là phụ huynh, tôi hiểu rằng bất kỳ dấu vết dữ liệu nào do chúng tôi tạo ra cho con trẻ sẽ mãi tồn tại trên Internet. Thật không công bằng vì lũ trẻ không hề biết điều đó”, người mẹ 42 tuổi nói thêm.

Tuy nhiên, cũng có không ít ông bố, bà mẹ chia sẻ hình ảnh, đoạn clip về con cái mà không hề ngần ngại. Richa Bansal (34 tuổi), chuyên viên marketing tại Agra (Ấn Độ), thường xuyên cập nhật hình ảnh con gái Mishka từ khi bé chào đời.

“Nuôi con có nhiều niềm vui lắm! Tôi hay đăng video về các hoạt động sáng tạo mà hai mẹ con cùng tham gia, từ làm vườn cho đến thủ công. ‘Lo ngại quá sức’ không nằm trong từ điển của tôi”, Bansal nhấn mạnh.

Rủi ro quyền riêng tư của trẻ emNăm 2017, Stacey Steinberg – Giáo sư Luật tại ĐH Florida (bang Florida, Mỹ) – từng nghiên cứu về trào lưu trên.

“Trẻ em có quyền riêng tư, nhưng nhiều khi quyền tự do ngôn luận của cha mẹ lại lấn át điều đó. Khi cha mẹ chia sẻ nội dung về con cái lên mạng, họ không hỏi sự cho phép từ đứa bé. Một ngày nào đó, trẻ có thể cảm thấy bực bội, khó chịu hay xấu hổ khi thấy thông tin về mình tràn lan trên Internet”, cô nhận định.

Kamna Chhibber, nhà tâm lý học tại trung tâm Fortis Healthcare ở New Delhi (Ấn Độ), khẳng định việc tạo dựng hình ảnh xã hội cho trẻ có thể khiến chúng gặp nhiều áp lực cuộc sống.

“Bằng việc liên tục chia sẻ các khía cạnh đời sống của con cái lên mạng xã hội, cha mẹ vô tình gán lên trẻ em một hình tượng xã hội. Hình ảnh đó không phải lúc nào cũng đúng với con người thật của chúng. Do đó, trẻ có thể cảm thấy bế tắc, không được là chính mình”, Chhibber trả lời.

dang anh con len mang anh 3
Cha mẹ cần cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin về con cái lên mạng xã hội. Ảnh: Getty.

Hầu hết bậc phụ huynh không lường trước những rủi ro từ trào lưu đăng tải thông tin con cái lên mạng xã hội. Bên cạnh việc xâm phạm quyền riêng tư, tương lai con trẻ có thể chịu ảnh hưởng khi các nhà tuyển dụng kiếm tra dấu chân điện tử của họ để tìm ra ứng viên phù hợp.

Ngoài ra, cha mẹ có thể vô tình để lộ tên tuổi, ngày sinh khi đăng bài, tạo cơ hội cho những kẻ trộm danh tính sử dụng thông tin vào mục đích xấu.

Năm 2019, Microsoft công bố nghiên cứu về an ninh mạng trên 12.500 thanh thiếu niên ở 25 quốc gia. Kết quả chỉ ra 42% người tham gia trả lời họ cảm thấy áp lực vì tần suất chia sẻ về con cái của cha mẹ trên Internet. Đáng nói, 8% coi đây là “rắc rối lớn” trong cuộc sống.

“Hình ảnh, thông tin về trẻ có thể được thu thập từ tài khoản mạng xã hội của cha mẹ, rồi lọt vào tay các nhà quảng cáo, tội phạm ấu dâm…”, Tiến sĩ Kirsty Goodwin, tác giả cuốn Raising Your Child in a Digital World, bình luận.

Năm 2016, một tạp chí Áo đăng tải câu chuyện cô gái 18 tuổi kiện cha mẹ mình sau khi phát hiện ra 500 bức ảnh thời thơ ấu của cô trên trang Facebook của họ.

Vào tháng 5/2020, một cụ bà người Hà Lan đã bị tòa án yêu cầu xóa các bức ảnh của cháu mình trên Facebook và Pinterest. Phán quyết của tòa nêu rõ “không thể loại trừ việc những bức ảnh có thể bị phát tán và cuối cùng rơi vào tay các bên thứ ba”.

Năm 2015, cảnh sát Đức đã thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội cảnh báo các bậc cha mẹ không nên đăng hình ảnh của con mình lên Facebook một cách công khai, vì những kẻ ấu dâm có thể sử dụng những hình ảnh này với mục đích bất chính.

Cùng thời điểm, các nhà điều tra Australia đã tìm thấy hơn 45 triệu bức ảnh trẻ em trên các trang ấu dâm. Các bức ảnh đã được tải xuống chủ yếu từ những trang mạng xã hội và blog gia đình.

Theo các quy định pháp luật có hiệu lực từ năm 2021, các luật sư Pháp nói rằng một đứa trẻ lớn lên hoàn toàn có thể kiện cha mẹ vì hành vi “mạo hiểm với sự an toàn của chúng”. Theo quy định về quyền riêng tư, cha mẹ có thể phải ngồi tù một năm hoặc phạt tiền 45.000 USD nếu tự ý đăng ảnh con.

Yair Cohen, một luật sư chuyên về mạng xã hội tại Anh, cho biết: “Những bức ảnh được chụp vào ngày hôm nay có khả năng là cơ sở cho các vụ kiện trong tương lai. Và nếu điều này xảy ra, phụ huynh sẽ cần phải chứng minh họ đăng những bức ảnh đó vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ”.

Trái lại, nhiều người vẫn nghĩ lợi ích từ trào lưu chia sẻ ảnh con đem lại nhiều lợi ích hơn tác hại.

“Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi ghi lại khoảnh khắc trưởng thành của hai con. Sau này, cả nhà có thể ngồi xuống và nhìn lại mọi chuyện. Chúng tôi mong rằng những đoạn clip, hình ảnh này sẽ cho cộng đồng thấy làm cha mẹ không phải lúc nào cũng mệt mỏi, kiệt quệ”, Lok nói.

Trang Minh/Zing

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều