+
Aa
-
like
comment

SCB và câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp

Diệu Hương - 09/11/2022 14:57

Giữa những con số lạc quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang có hiện tượng “múa tay trong bị” giữa ngân hàng, công ty chứng khoán và đẩy lại phần rủi ro cho các nhà đầu tư ít am hiểu… SCB là một ví dụ điển hình.

Khách hàng mua trái phiếu thông qua SCB căng băng rôn đòi tiền

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn. Trước tình hình đó, Ngân hàng nhà nước đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để trấn an người gửi tiền, cung cấp thanh khoản cho ngân hàng cũng như áp dụng các biện pháp cần thiết khác để SCB hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn đang hiện hữu là việc SCB có liên quan đến các giao dịch mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Tại thư ngỏ đăng trên website ngân hàng, SCB khẳng định ngân hàng chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với khách hàng về việc chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp. Song lời giải thích ấy vẫn không ngăn được dòng người tìm đến SCB chất vấn về vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh chung sau khi vừa tất toán số tiết kiệm, được nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới. Thậm chí khách hàng còn cho biết, họ không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ ký vào tờ ủy nhiệm chi, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp đầy đủ. Điều đó cho thấy, thời gian qua, nhiều nhân viên ngân hàng, trong đó có nhân viên của ngân hàng SCB chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm.

Sự lập lờ của nhân viên ngân hàng khiến nhiều khách hàng lầm tưởng

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng nhanh, đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp. Song bên cạnh đó cũng nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn, phát sinh nhiều sai phạm, rủi ro cho nhà đầu tư và an ninh, tài chính tiền tệ. Do đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trước tình huống của Ngân hàng SCB, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP.HCM và cả nước, lãnh đạo TP.HCM đề nghị SCB không né tránh vấn đề. Bên cạnh đó, SCB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động bố trí địa điểm tiếp người dân rộng rãi, thông thoáng; Cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng từng trường hợp để hỗ trợ, đối thoại. Đây là sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, hợp lòng dân, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Từ đó, để thấy việc duy nhất mà khách hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp thông qua SCB là chờ đợi bởi hiện nay cơ quan đang mở rộng điều tra. Qua đây, khách hàng cũng cần rút ra bài học khi đầu tư mua trái phiếu qua nhân viên ngân hàng, đặc biệt với những khách hàng ít am hiểu về lĩnh vực này.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều