+
Aa
-
like
comment

Sau Trung Quốc, châu Âu “toát mồ hôi” trước đòn thuế của ông Trump

22/01/2020 21:49

Tổng thống Donald Trump hôm 21-1 dọa áp thuế nặng lên xe hơi châu Âu, cam kết sẽ có động thái cứng rắn nếu các cuộc đàm phán thương mại không diễn ra theo mong muốn của ông.

Chỉ vài ngày sau khi ông Trump “ghi điểm” trong các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Mexico và Canada, tuyên bố mới nhất của ông Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhấn mạnh khả năng nhà lãnh đạo Mỹ nhanh chóng chuyển hướng sang mặt trận châu Âu trong cuộc chiến thương mại tiếp theo của mình.

Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Ý và Anh có thể phải đối mặt với các đòn thuế của Mỹ nếu họ áp thuế công nghệ lên các tập đoàn lớn như Facebook và Google. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những ngày gần đây đã trì hoãn áp thuế công nghệ nhằm tránh các đòn thuế trả đũa của chính quyền ông Trump.

Sau Trung Quốc, châu Âu “toát mồ hôi” trước đòn thuế của ông Trump - Ảnh 1.
Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 21-1. Ảnh: AP

 

Mối đe dọa áp đặt thuế nói trên là bằng chứng cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Mỹ và châu Âu. Trong khi Tổng thống Trump nhấn mạnh về sự cần thiết của việc thảo luận một thỏa thuận thương mại mới thì các nhà lãnh đạo châu Âu duy trì lập trường về hành động hợp tác và chống biến đổi khí hậu.

Bà Rachel Kyte, trưởng khoa Trường Fletcher thuộc Trường ĐH Tufts, nhận định: “Châu Âu và Mỹ đang xa rời nhau. Không chỉ là cuộc chiến thương mại mà còn là cách tiếp cận cơ bản khác nhau về quyền riêng tư và vai trò của doanh nghiệp cũng như xã hội”.

Cũng tại WEF hôm 21-1, một nhóm chuyên gia thương mại cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc không giải quyết được các vấn đề cơ cấu trong mối quan hệ thương mại song phương.

Các chuyên gia phát biểu tại WEF rằng thỏa thuận trên là một thảm họa và đơn giản chỉ là bước trung gian giúp xoa dịu căng thẳng.

Ông Chad Bown, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho hay: “Thỏa thuận không giải quyết được bất kỳ vấn đề mang tính hệ thống nào”.

Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia thương mại cho rằng các cuộc đàm phán thương mại khó khăn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu.

Xuân Mai/NLĐ

Bài mới
Đọc nhiều