+
Aa
-
like
comment

Sau kiến nghị của VKSND Tối cao, vụ ly hôn của vợ chồng ‘vua’ cà phê Trung Nguyên sẽ ra sao?

15/01/2022 06:05

Vụ việc có thể kết thúc khi Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận hủy quyết định giám đốc thẩm, hoặc tiếp tục kéo dài nếu các bản án trước đó bị hủy để xét xử lại.

Sau khi VKSND Tối cao kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, một số luật sư nêu quan điểm về căn cứ để VKSND ban hành những đề nghị này và số phận pháp lý của vụ việc.

Vụ ly hôn còn kéo dài bao lâu?

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng kiến nghị của VKSND Tối cao về việc xét lại quyết định giám đốc thẩm là “thủ tục đặc biệt”. Đây là thủ tục mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ông Cường phân tích theo bộ luật trên, quyết định giám đốc thẩm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt khi cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy có sai sót trong thủ tục giám đốc thẩm.

“Vụ án ly hôn đình đám này kéo dài nhiều năm và trải qua rất nhiều cấp xét xử”, luật sư đánh giá theo nguyên tắc của pháp luật, đương sự có quyền kiến nghị xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.

 

Vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo kéo dài 4 năm. Đồ họa: Như Ý.

Theo luật sư, vụ ly hôn giữa vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên được giải quyết đến trình tự giám đốc thẩm với kết luận giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, căn cứ Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.

Về thời hạn xem xét, Điều 359 bộ luật trên nêu trong một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị, Hội đồng Thẩm phán mở phiên họp để xem xét. Sau đó, trong 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc họp, hội đồng gửi văn bản thông báo nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng VKSND và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Chia sẻ quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đánh giá kiến nghị của VKSND Tối cao là đúng thẩm quyền. Còn việc hủy các bản án hay quyết định giám đốc thẩm sẽ được xem xét tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao với sự tham gia của Viện trưởng VKSND Tối cao. Nếu thấy cần thiết, tòa án có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng dự họp.

Theo luật sư, sau khi VKSND Tối cao đề nghị, nếu Hội đồng Thẩm phán nhận định tòa án các cấp có những sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc, quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo, không phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình giám đốc thẩm, không có chứng cứ mới thì hội đồng sẽ giữ nguyên quyết định giám đốc thẩm.

Bên cạnh đó, vụ việc có thể kết thúc khi Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận hủy quyết định giám đốc thẩm, hoặc sẽ kéo dài thêm trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm và 2 bản án bị hủy bỏ để xét xử lại từ đầu.

Vòng xoáy kiện tụng của vợ chồng Trung Nguyên

Sau nhiều năm cùng khởi nghiệp để dựng lên một đế chế cà phê hùng mạnh, những lùm xùm của vợ chồng “vua cà phê” bắt đầu từ tháng 4/2015. Khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Tháng 10/2015, ông Vũ tiếp tục triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này.

 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Lê Quân.

Ngày 17/11/2015, bà Thảo nộp đơn ly hôn ra tòa. Sau khi thụ lý vụ việc, tháng 8/2017, TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng ông Vũ.

Trong tháng 8 và 9/2018, tòa án mở nhiều phiên hòa giải vụ ly hôn nhưng đều bất thành. Ngày 20/2/2019, TAND TP.HCM xét xử vụ việc. Đến ngày 27/3/2019, HĐXX tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo; giao bà Thảo nuôi các con với điều kiện ông Vũ cấp dưỡng các cháu 10 tỷ đồng/năm.

Về tài sản, tòa giao ông Vũ tất cả cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Bà Thảo được giao tiền, vàng và bất động sản tương đương hơn 1.700 tỷ đồng.

Tại phiên phúc thẩm đầu tháng 12/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo của các bên, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa cho ông Vũ hưởng 60% và được sở hữu toàn bộ cổ phần của 2 người trong các công ty thuộc tập đoàn, tương đương hơn 5.360 tỷ đồng.

Còn bà Thảo sở hữu khối tài sản trên 1.700 tỷ đồng gồm tiền, vàng. Sau khi cấn trừ, ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thảo 1.220 tỷ đồng.

VKSND Tối cao 2 lần đề nghị hủy ánNgày 4/4/2020, VKSND Tối cao kháng nghị hủy các bản án trước đó, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo VKS, tại phiên sơ thẩm ngày 20/2/2019, cả hai đồng ý ly hôn và TAND TP.HCM công nhận điều này là đúng luật. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo kháng cáo xin đoàn tụ nhưng tòa cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc thuận tình ly hôn là không đúng.

 

Vụ ly hôn, chia tài sản nghìn tỷ nhận được sự quan tâm của giới truyền thông. Ảnh: Lê Quân.

Về cách chia tài sản, VKSND Tối cao nhận thấy tòa 2 cấp chưa đánh giá đúng công sức đóng góp của bà Thảo vào việc duy trì phát triển khối tài sản chung tại Trung Nguyên. Tòa cho ông Vũ sở hữu hết cổ phần, chia cho bà Thảo phần ít hơn 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.

Trong diễn biến mới nhất, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn, ngày 13/1, VKSND Tối cao đã ban hành kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán xét lại quyết định giám đốc thẩm; đề nghị hủy các bản án trước đó để xét xử sơ thẩm lại theo trình tự tố tụng.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều