+
Aa
-
like
comment

Sau khi Nga cắt khí đốt, nhiều ánh mắt tiếp tục đổ dồn về phía Đức

01/05/2022 08:39

Bất chấp rủi ro về suy thoái kinh tế, Đức đang chuẩn bị để từ bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Những nỗ lực đầu tiên của Berlin đã bắt đầu mang lại kết quả.

Nga tan cong Ukraine anh 1
Chỉ 24 giờ sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, Thủ tướng Olaf Scholz hôm 28/4 tuyên bố Đức phải chuẩn bị cho kịch bản tương tự.

Những tuần vừa qua, chính phủ và giới công nghiệp năng lượng Đức liên tục đưa ra những thông điệp trấn an dư luận rằng nguồn cung khí đốt của nước này vẫn được duy trì ổn định. Sau khi mùa đông đã qua, nhu cầu tiêu thụ giảm dần, các cơ sở dự trữ tại Đức đã được bơm đầy 30%.

Lúc này, khí đốt từ Nga vẫn đang chảy về Đức. Tuy vậy, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Robert Habeck cho biết các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đã mang lại kết quả. Chỉ trong thời gian ngắn, Đức đã giảm một phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, theo New York Times.

Bài toán hóc búa cho BerlinĐầu năm 2022, chính phủ Đức đã khởi động quy trình rà soát việc phân bổ bắt buộc khí đốt trong tình huống khẩn cấp, nhằm bảo đảm nền kinh tế vận hành trong trật tự khi nguồn cung khí đốt từ bên ngoài bị gián đoạn.

Tuy vậy, trong phiên điều trần tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Habeck thừa nhận nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Đức, tình hình kinh tế – xã hội sẽ xấu đi nhanh chóng.

Trong chuyến thăm Tokyo và làm việc với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo Đức phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.

Khi “chiến dịch quân sự” do Moscow phát động bắt đầu hôm 24/2, 55% khí đốt tiêu thụ của Đức đến từ Nga. Từ đó đến nay, thông qua việc hủy bỏ một số hợp đồng với Nga và nhập khẩu thêm khí tự nhiên hóa lỏng từ các nước khác, Berlin đã giảm con số trên xuống còn 35%.

Nga tan cong Ukraine anh 2
Đức đã hủy bỏ dự án Nord Stream 2, động thái đầu tiên trong nỗ lực từ bỏ khí đốt Nga.

Giới chức Đức tuyên bố họ hy vọng có thể giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga xuống mức dưới 30% tổng nhu cầu trong nước vào cuối năm 2022.

Chính phủ Đức hiện đứng trước sức ép mạnh mẽ từ không chỉ các đồng minh trong EU mà còn cả người dân trong nước yêu cầu giảm dần phụ thuộc vào khí đốt Nga. Vấn đề này một lần nữa được nêu trong lá thư hàng chục nghị sĩ châu Âu gửi tới Thủ tướng Olaf Scholz tuần trước.

Các nghị sĩ cho rằng khi EU đồng lòng cấm nhập khẩu khí đốt Nga, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức có thể giảm từ 0,5-3%. Tuy nhiên, thiệt hại của phía Nga có thể lên đến 40% ngay trong năm nay.

“Tác động tới nền kinh tế Đức dù lớn nhưng có thể kiểm soát. Đức và EU không nên để bản thân trở thành con tin của Điện Kremlin”, lá thư có đoạn.

Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Đức tuần trước cảnh báo lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể khiến tổng sản lượng kinh tế quốc nội giảm 5% ngay trong năm nay.

Thủ tướng Scholz và Bộ Tài chính Đức cũng cảnh báo nếu dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay lúc này, nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Hàng chục nghìn người Đức đang làm việc trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt, trong đó có các mũi nhọn như hóa chất và sản xuất thép. Nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, sản xuất trong các ngành này sẽ bị ảnh hưởng.

Gần một nửa số hộ gia đình Đức sưởi ấm bằng khí đốt. Trong tình huống thiếu hụt khẩn cấp buộc chính phủ thi hành chính sách phân bổ khí đốt, những cơ sở được ưu tiên sẽ bao gồm nhà dưỡng lão, bệnh viện.

Chính phủ Đức đang tập trung nguồn lực để lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt vốn đã gần cạn sau mỗi mùa đông, một số trong đó vốn nằm trong tay các công ty năng lượng Nga. Mãi tới đầu tháng 4, tức hơn một tháng sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, Đức mới giành lại quyền kiểm soát các bồn chứa này.

Kể từ đó, nỗ lực lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt mới được triển khai. Mục tiêu của Berlin là bảo đảm các cơ sở dự trữ đầy 90% khi mùa cao điểm tiêu thụ khí đốt bắt đầu vào đầu tháng 12. Đây cũng là yêu cầu theo luật mới của Liên minh châu Âu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.

Hỗ trợ từ các đồng minhNhà chức trách Đức đang phải chạy đua với thời gian để tìm nguồn cung thay thế sau khi Đức đặt ra thời hạn dừng nhập khẩu than và dầu thô từ Nga. Dù vậy, mức độ phụ thuộc của Berlin vào Nga với hai loại nhiên liệu này không nặng nề như khí đốt.

Trước chiến sự ở Ukraine, 25% lượng than và 35% lượng dầu Đức tiêu thụ hàng năm đến từ Nga.

Bộ trưởng Habeck cho biết Đức đã sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của EU cấm nhập khẩu than từ Nga. Berlin cũng sẽ sớm sẵn sàng có biện pháp tương tự với dầu thô Nga, ông Habeck cho biết.

“Đây là một phần trong chiến lược từng bước của chính phủ nhằm độc lập (về năng lượng) với Nga. Chúng ta sẽ làm điều tương tự với khí đốt”, Bộ trưởng Habeck tuyên bố.

Để có thể tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức nói riêng và EU nói chung sẽ phải tìm ra nguồn cung thay thế. Lúc này, lựa chọn tiềm năng nhất là Mỹ, Na Uy và Trung Đông.

Nga tan cong Ukraine anh 3
Mỹ đang nỗ lực bù đắp nguồn cung khí đốt cho EU. Ảnh: AFP.

Trong năm 2021, Na Uy sản xuất 113 tỷ mét khối khí đốt và cung cấp lượng khí đốt tương đương 25% nhu cầu của toàn châu Âu. Mới đây, Na Uy cho biết nước này sẽ bán thêm cho EU 20 tỷ mét khối khí đốt trong mùa hè 2022, theo Reuters.

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cuối tháng 3, hai bên đã công bố sáng kiến mới giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hóa thạch.

Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ xuất khẩu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt cho EU ngay trong năm nay. Sang năm 2023, lượng khí đốt Mỹ bán thêm cho EU sẽ tăng lên 50 tỷ mét khối, tương đương một phần ba lượng khí đốt EU nhập từ Nga.

Tại Trung Đông, Qatar cho biết sẽ chuyển hướng một số hợp đồng khí đốt bán cho châu Á để hỗ trợ EU. Trong năm 2021, các nước châu Âu mua khoảng 30% lượng khí đốt xuất khẩu của Qatar.

Mỹ và EU cũng đang thúc đẩy dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Đông Địa Trung Hải sang châu Âu, nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Tháng 7/2021, Israel đã phê duyệt dự án EastMed trị giá 8 tỷ USD xây dựng đường ống khí đốt từ nước này và Cyprus tới châu Âu. Israel cũng cho biết sẽ bán lại 10% lượng khí đốt nước này nhập khẩu từ các đối tác.

Trong khi đó, dù quan hệ giữa Saudi Arabia và UAE với Mỹ đang trục trặc, hai nước Arab sẽ không thể khoanh tay với châu Âu. Bởi nền kinh tế phụ thuộc nặng vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, cả Saudi và UAE đều lo ngại tình trạng thiếu hụt khí đốt khiến EU thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, theo Business Standard.

Duy Anh

Bài mới
Đọc nhiều