+
Aa
-
like
comment

Sau khi Nga cắt khí đốt, nhiều ánh mắt ở châu Âu hướng vào Ba Lan

29/04/2022 06:40

Bộ trưởng phụ trách an ninh năng lượng Ba Lan dành nhiều thập kỷ để lên kế hoạch thoát phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Song kế hoạch này được dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức.

Piotr Naimski, Bộ trưởng phụ trách an ninh năng lượng của Ba Lan, đã dành nhiều năm để giúp nước này ngưng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, những tuần sắp tới sẽ là thử thách cho nỗ lực của ông, khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga ngày 27/4 xác nhận ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan.

Ông Piotr Naimski và các cộng sự trong Bộ Năng lượng Ba Lan đã chạy đua với kế hoạch giảm hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, sau khi Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, theo Washington Post.

Tuy nhiên, quyết định cắt khí đốt đột ngột của Nga trong tuần này buộc Ba Lan phải thực hiện trước kế hoạch vài tháng.

Thách thức với Ba Lan

Thành công hay thất bại trong cách Ba Lan ứng phó khi không có khí đốt từ Nga sẽ là bài học cho các quốc gia châu Âu khác.

“Chúng tôi có khả năng đưa đủ khí đốt đến Ba Lan, để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”, ông Naimski cho biết hôm 27/4, vài giờ sau khi Nga thông báo cắt khí đốt.

Ba Lan và một số nước láng giềng, bao gồm Lithuania, đang đi trước các nước châu Âu khác trong việc chuẩn bị cho cuộc sống khi không có khí đốt của Nga. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định trong những tuần tới có thể đầy khó khăn.

Quốc gia 38 triệu dân này nhập khẩu khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, để sưởi ấm cũng như cung cấp năng lượng cho người dân và nhà máy.

Trạm phân phối khí đốt Gaz-System ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. Ảnh: Reuters

Nga cho biết quyết định cắt khí đốt với Ba Lan vì nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể đang trừng phạt Ba Lan vì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine.

“Ba Lan là thị trường lớn thứ sáu ở châu Âu. Tôi nghĩ họ muốn chứng tỏ rằng có thể áp dụng trừng phạt với một đối tác lớn”, Marcin Roszkowski, Chủ tịch Viện Jagiellonian, một tổ chức tư vấn ở Warsaw, nhận định.

Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tuần trước, ông Naimski đã phác thảo kế hoạch lớn của mình trong việc chuyển đổi sang sử dụng khí đốt từ Na Uy, Mỹ và các quốc gia đồng minh khác.

Ông mô tả về một mạng lưới gần như hoàn thiện mà Ba Lan đã dành nhiều năm để xây dựng. Nó bao gồm kho cảng trị giá hàng tỷ USD để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng thông qua tàu, một mạng lưới đường ống chằng chịt kết nối Ba Lan với các nước láng giềng và một đường ống dưới biển từ Na Uy, dự kiến hoạt động vào ngày 1/10.

“Chúng ta có thể làm được”, ông Naimski nói, đề cập đến việc Ba Lan và các nước láng giềng châu Âu đang cân nhắc cắt đứt phụ thuộc năng lượng từ Nga.

Gazprom cung cấp gần một nửa nhu cầu hàng năm của Ba Lan – 10 tỷ m3 so với tổng lượng tiêu thụ trên 20 m3. Ba Lan tự sản xuất trong nước 3 tỷ m3 và nhập khẩu hơn 6 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm thông qua một cảng ở biển Baltic. Phần lớn LNG đó đến từ Mỹ và Na Uy.

Nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược độc lập năng lượng của Ba Lan là đường ống sắp hoạt động đi từ Na Uy. Anna Moskwa, Bộ trưởng phụ trách khí hậu của Ba Lan, từng nhận định đây là “niềm tự hào to lớn của ông Naimski”.

Khi đường ống đó đi vào hoạt động, nó có khả năng vận chuyển 10 tỷ m3 cho Ba Lan mỗi năm, nhiều hơn lượng Nga cung cấp.

Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu Na Uy và Đan Mạch, những nước có đường ống đi qua, có hợp tác để đẩy nhanh ngày đường ống hoạt động hay không.

Ông Roszkowski cho biết có thể mở đường ống sớm hơn. Bên cạnh đó, ông và các nhà phân tích khác cho rằng Ba Lan vẫn an toàn trong vài tháng tới, vì các bồn chứa khí đốt của nước này đã đầy hơn 75%. Ngoài ra, họ cũng có thể nhập khẩu một lượng khí đốt từ Đức.

Nỗ lực của ông Naimski

Một đường ống mới giữa Lithuania và Ba Lan, được xây dựng dưới sự chỉ đạo của ông Naimski, cũng sẽ hoạt động vào ngày 5/5. Điều này sẽ cho phép các nước láng giềng chia sẻ khí đốt với nhau.

“Đối với Ba Lan, ‘đó không thực sự là một cuộc khủng hoảng'”, Laurent Ruseckas, một nhà phân tích năng lượng của S&P Global, cho biết.

Theo Bộ trưởng Naimski, ông bắt đầu ưu tiên việc độc lập năng lượng vào đầu năm 1992, khi còn là giám đốc cơ quan an ninh và tình báo. Ngay sau khi Liên Xô tan rã, Ba Lan đã bị cắt khí đốt trong một vài ngày.

Ông Naimski bắt đầu thúc đẩy một đường ống dẫn mới từ Na Uy. Tuy nhiên, trong những năm đầu của thời kỳ hậu Xô Viết, không phải ai cũng coi năng lượng là một thành phần quan trọng của chủ quyền quốc gia, ông nói.

Ông Naimski đã nỗ lực giúp Ba Lan ngừng phụ thuộc năng lượng với Nga trong nhiều năm. Ảnh: Nurphoto.

Sau đó, vào năm 2001, ông Naimski và các đồng minh trong phe cánh hữu đã mất quyền lực. Chính phủ mới thiên tả vào thời điểm đó đã từ bỏ dự án đường ống.

Đảng Pháp luật và Công lý của ông Naimski trở lại nắm quyền vào năm 2005 và bắt đầu lên kế hoạch xây dựng kho cảng LNG trên đường bờ biển Baltic của Ba Lan. Nó được hoàn thành vào năm 2016.

Ông Naimski cũng nối lại các cuộc đàm phán với Na Uy và Đan Mạch về đường ống dưới biển. Tuy nhiên, khi đảng của ông mất quyền lực trong chính phủ, dự án đã “chết lần thứ hai”.

Khi đảng Pháp luật và Công lý trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015, ông Naimski đã tiếp cận Na Uy và Đan Mạch lần thứ ba.

Ưu tiên tiếp theo của ông Naimski là hoàn thành việc xây dựng kho cảng LNG thứ hai, đặt tại thành phố Gdansk. Ban đầu nó được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2027, song mục tiêu của ông đang là năm 2025.

Sau khi Ba Lan tự đảm bảo nguồn cung trong nước, ông Naimski hy vọng sẽ còn dư lượng khí đốt để cung cấp các quốc gia đồng minh trong EU.

“Nếu cần thiết hoặc được yêu cầu, chúng tôi có khả năng vận chuyển (khí đốt) sang các nước láng giềng. Đối với khu vực, đây thực sự là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”, ông nói.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều