Sau Khá Bảnh, Phú Lê, thế hệ giang hồ mạng đang tràn ngập YouTube
Dù kênh của D. Ka và T. Cá Chép vi phạm đầy đủ những quy định trong chính sách nhưng YouTube tại Việt Nam vẫn bật quảng cáo cho những nội dung này và chia lợi nhuận.
Khác với Phú Lê, kênh YouTube của T. Cá Chép, D. Ka là một dạng giang hồ mạng mới. Lập lờ giữa thật và diễn, hai kênh YouTube này thu hút hàng triệu lượt xem dù nội dung đầy tiêu cực và bạo lực.
“Chưa rõ những video này là quay dựng hay thật nhưng nội dung của chúng quá bạo lực để có thể xuất hiện trên YouTube”, H. Anh, một phụ huynh có con nhỏ tại Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ.
Bạo lực núp bóng “hành hiệp trượng nghĩa”Khác với nội dung bạo lực trước đây của kênh Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, thế hệ giang hồ mạng mới thu hút người xem bằng việc dùng bạo lực dưới danh nghĩa “hành hiệp trượng nghĩa”.
Cụ thể, những nhân vật chính trong video như T. Cá Chép, D. Ka… sẽ sử dụng bạo lực để đòi lại “công bằng”, dàn xếp mâu thuẫn cho người yếu thế.
3 video sở hữu lượt xem cao nhất của kênh T. Cá Chép có tiêu đề lần lượt là “Phang nhau với 4 tên côn đồ quấy rối em gái tại bàn nhậu”, “Xử lý giúp đỡ anh shipper bị côn đồ bắt nạt khi va chạm giao thông”, “Xử lý chủ nhà trọ láo toét lừa tiền sinh viên nghèo”.
Tổng lượt xem của 3 video này là trên 27 triệu. Toàn bộ đều là những video dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Không chỉ thu hút được nhiều lượt xem, những video này còn “leo hạng” trên top thịnh hành của YouTube.
Trong khi đó, kênh D. Ka lại chọn các vấn đề tiêu cực, phản cảm để thu hút thêm lượt xem.
3 video có lượt xem cao nhất của kênh này có tiêu đề lần lượt là: “Phang vỡ mồm cán bộ ngân hàng bố láo” (8,1 triệu lượt xem), “Mẹ mới mất, bố 70 tuổi cặp bồ với gái trẻ” (5,1 triệu lượt xem), “Giúp đỡ mẹ già có con gái bỏ nhà theo trai” (2,6 triệu lượt xem).
Khác với Khá Bảnh, nội dung bạo lực được T. Cá Chép và D. Ka “đầu tư” bài bản với nhiều góc quay mang màu sắc dàn dựng.
Bên cạnh đó, những từ ngữ thô tục được làm biến dạng, các cảnh đánh nhau được bôi mờ. Những nhân vật này tuy đánh nhau nhưng vẫn đeo microphone không dây để thu âm tốt hơn. Nhiều bình luận bên dưới cho rằng đây chỉ là những cảnh bạo lực được sắp đặt nhằm mục đích câu view, kiếm tiền từ YouTube.
Dù là thật hay diễn, người xem vẫn có thể cảm nhận được sự hung hăng của các nhân vật khi “hành hiệp trượng nghĩa”.
Trong video đăng tải vào tháng 2, nhân vật có tên D. Ka đã cùng đàn em đập nát kính ôtô và hành hung 2 người khác. Lý do là D. Ka đã xem được video từ camera an ninh ghi lại cảnh 2 người này hành hung phụ nữ mang thai khiến cô nhập viện, mất con. Sau đó, D. Ka dẫn đàn em đến để đánh những người này.
“Video này chắc chắn là dàn dựng bởi 2 người đàn ông chạm rất nhẹ vào người phụ nữ được cho là mang thai. Bên cạnh đó, video trích từ camera nhưng khung hình lại rung lắc và rất nét như quay bằng điện thoại”, Bui Vinh, một người xem tinh ý bình luận.
Để thu hút thêm lượt xem, kênh YouTube này thường khai thác các vấn đề thời sự như dịch Covid-19, bùng hàng shipper… Điển hình là video “D. Ka tát lệch mặt dược sĩ bố láo bán khẩu trang giá cao” thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube.
Điều đáng nói, cách nhóm người này “hành hiệp trượng nghĩa” không phải dùng lý lẽ hay báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng. Họ chỉ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nếu những video này là thật, nhóm người này còn vi phạm pháp luật khi phá hoại tài sản và xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
“Hệ sinh thái” giang hồ mạngTheo SocialBlade, hiện kênh YouTube của T. Cá Chép có hơn 83 triệu lượt xem, một triệu lượt đăng ký. Ước tính mỗi tháng kênh này kiếm được 2.000-36.000 USD từ việc hiển thị quảng cáo của YouTube. Tại Việt Nam, kênh này đang đứng top 300 kênh YouTube lớn nhất..
Những video bạo lực của nhóm T. Cá Chép và D. Ka được chia sẻ cho nhiều kênh khác trong đó có Hayzo** với 1,6 triệu lượt đăng ký. Ngoài YouTube, nhóm này còn tạo các trang cá nhân, fanpage Facebook để phân phối những nội dung bạo lực nhằm thu hút lượt xem, kiếm tiền.
“Hành hiệp trượng nghĩa” đang được xem là một dạng nội dung được các YouTuber khai thác. Tuy bạo lực, vi phạm pháp luật nhưng đổi lại các video trên thu hút lượt xem từ người dùng. Ngoài 2 kênh trên, hàng chục anh/chị giang hồ khác như N. Rambo, H. râu, H. Lê… cũng có kênh YouTube.
“Kịch bản video này bắt chước theo trào lưu anh hùng nghĩa hiệp từ năm 2018 ở Trung Quốc. Tuy vậy, tại Trung Quốc, những kênh này công khai việc dàn dựng để tránh lệch lạc tư tưởng của người xem.
Trong khi đó, kênh của T. Cá Chép lại không thông báo thậm chí còn khẳng định là thật. Từ đó gieo vào đầu người xem cách hành xử bạo lực khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống đặc biệt là người xem trẻ em”, Hoàng Vinh, người làm YouTube lâu năm tại Hà Nội cho biết.
PV đã phản ánh vấn đề với YouTube. Đại diện phát ngôn của YouTube trích lại những chính sách của mạng xã hội video này, nhưng không hề đưa ra giải pháp.
Trong chính sách của mình, YouTube ghi rõ nội dung mô tả các nhân vật dù là hoạt hình hay do người thật đóng vai, tham gia hành vi bạo lực hoặc không phù hợp, ngay cả khi thực hiện vì mục đích hài hước hoặc châm biếm sẽ không được bật kiếm tiền.
Đồng thời, nội dung kích động người khác quấy rối hoặc đe dọa cá nhân trên hoặc ngoài YouTube; cảnh quay, âm thanh hoặc hình ảnh có liên quan đến đánh nhau trên đường phố, các vụ tấn công gây thương tích cũng không được chia doanh thu quảng cáo với YouTube.
Dù kênh của D. Ka và T. Cá Chép vi phạm đầy đủ những quy định trong chính sách nhưng YouTube tại Việt Nam vẫn bật quảng cáo cho những nội dung này và chia lợi nhuận.
Ngọc Truyện/ZN