+
Aa
-
like
comment

Sau Huawei, Mỹ nhắm mục tiêu tập đoàn đường sắt Trung Quốc vì lo ngại gián điệp

16/09/2019 18:32

Do quan ngại ngày càng tăng về tham vọng kinh tế và tiềm năng do thám công nghệ của Trung Quốc, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt sớm một dự luật nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc cạnh tranh các hợp đồng mới ở Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia.

Do quan ngại ngày càng tăng về tham vọng kinh tế và tiềm năng do thám công nghệ của Trung Quốc, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt sớm một dự luật nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc cạnh tranh các hợp đồng mới ở Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo Straits Times, nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ mới đây đã đề xuất một dự luật nhằm ngăn chặn tập đoàn đường sắt Trung Quốc (CRRC) – một trong những nhà sản xuất tàu hỏa, tàu điện lớn nhất thế giới, bán xe lửa bên trong nước Mỹ.

Nỗ lực này của Washington, là bước đi mới nhất có thể làm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vốn đã nhanh chóng mở rộng từ một cuộc “cãi vã” về thuế quan và sở hữu trí tuệ sang một cuộc chiến rộng lớn hơn về an ninh kinh tế và quốc gia.

Sau Huawei, Mỹ nhắm mục tiêu tập đoàn đường sắt Trung Quốc vì lo ngại gián điệp
Sau Huawei, Mỹ nhắm mục tiêu tập đoàn đường sắt Trung Quốc vì lo ngại gián điệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lập pháp lưỡng đảng đang ngày càng lo lắng về tham vọng kinh tế và công nghệ của Trung Quốc – quốc gia đang tích cực đẩy mạnh xây dựng các ngành công nghiệp toàn cầu, bao gồm cả những ngành sản xuất công nghệ giám sát tiên tiến. Những quan ngại đó đã khiến Washington phải có cái nhìn bao quát hơn về những rủi ro tiềm ẩn, vượt ra ngoài việc cố gắng hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Ngoài việc áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 360 tỉ USD, Mỹ đã cấm các công ty Trung Quốc như gã khổng lồ viễn thông Huawei, mua các mặt hàng công nghệ của Mỹ. Điều này cho thấy Washington đang cố gắng chuyển dịch mục tiêu để hạn chế khả năng của các công ty công nghệ Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Mỹ. Và Quốc hội đã trao cho chính quyền quyền lực mở rộng để ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc dựa trên cơ sở của mối lo ngại an ninh quốc gia.

Các nhà lập pháp Mỹ hiện đã bổ sung một điều khoản vào Dự luật chi tiêu quân sự nhằm ngăn chặn việc sử dụng các khoản tài trợ của liên bang để mua tàu điện ngầm từ các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc hoặc do Trung Quốc kiểm soát, một biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động kinh doanh của CRRC.

Dự luật đã giành được sự ủng hộ thống nhất của các nhà lập pháp lưỡng đảng, những người nói rằng các công ty như CRRC là mối đe dọa đối với Mỹ. Họ cho rằng các công ty thuộc quản lý của nhà nước Trung Quốc không theo đuổi lợi nhuận, mà chỉ nhằm phục vụ tham vọng thống trị các ngành công nghiệp toàn cầu quan trọng như ô tô điện, robot và đường sắt.

“Khi bạn có thể trợ cấp, hoặc có thể hoàn toàn sở hữu một doanh nghiệp nhà nước như Trung Quốc, bạn có thể tạo ra một sân chơi hoàn toàn không sáng sủa”, Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin, người đồng khởi xướng dự luật cho biết.

Ngoài ra, các nhà lập pháp – cùng với các đối thủ của CRRC – nói rằng họ lo ngại tàu điện ngầm do công ty Trung Quốc sản xuất có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng theo dõi người Mỹ hơn và gây ra mối đe dọa phá hoại đối với cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Các nhà phê bình suy đoán rằng tập đoàn đường sắt Trung Quốc có thể kết hợp công nghệ vào những khoang tàu cho phép CRRC – và chính phủ Trung Quốc theo dõi khuôn mặt, chuyển động, cuộc trò chuyện hoặc cuộc gọi điện thoại của hành khách thông qua camera hoặc Wi-Fi của tàu.

Các nhà sản xuất ô tô vận tải hàng hóa của Mỹ, bao gồm Greenbrier Cos và Trinity Rail, đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang có tên gọi Liên minh An ninh Đường sắt nhằm chống lại CRRC.

Bên cạnh đó, lo ngại gia tăng về tham vọng của Trung Quốc tại Washington đã khiến các quan chức Mỹ phải đẩy mạnh áp dụng các lập trường không khoan nhượng. Các nhà hoạch định chính sách và quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã nhiều lần cảnh báo chính phủ trong và ngoài nước không nên tin tưởng vào các thiết bị của Trung Quốc.

Thời gian gần đây, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công toàn cầu chống lại Huawei, nói với các quốc gia khác rằng việc cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng thế hệ mạng không dây tiếp theo của thế giới sẽ giống như việc trao bí mật quốc gia cho Bắc Kinh.

Giống như CRRC, mối quan tâm xung quanh Huawei chủ yếu dựa trên mối lo ngại về sự thống trị công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng xác minh các sản phẩm của Huawei có khả năng do thám – nhưng các quan chức Mỹ vẫn quả quyết rằng, khi phát hiện ra, “có lẽ đã quá muộn”.

“Người Trung Quốc đang làm việc để đưa các hệ thống của họ vào các mạng trên toàn thế giới nhằm có thể đánh cắp thông tin của các bạn và thông tin của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5.

Hoàng Vũ/Soha News

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều