Sau Grab, Gojek cũng tăng 8-10% giá cước
Từ 0h ngày hôm nay (12/)12, Gojek điều chỉnh tăng giá cước từ 8 – 10% các dịch vụ GoRide, GoSend và GoFood tại TP.HCM và Hà Nội.
Tại Hà Nội, cước phí 2 km đầu tiên dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Giá cước sẽ tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng cho mỗi km (sau 2km đầu tiên). Các mức tăng này tương đương với tỷ lệ hơn 8,3-10%.
Tương tự, tại TP HCM, Gojek cũng tăng cước 2 km của GoRide từ 10.000 lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2 km đầu tiên) tăng giá từ 3.600 lên 4.000 đồng mỗi km.
Đối với dịch vụ GoSend ở Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng giá 15.000 đồng với cự ly dưới 2km. Ở kilômet thứ 2 trở đi, giá sẽ tăng 1.000 đồng, từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng.
Đối với GoFood, dưới 3km sẽ áp dụng mức giá 15.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước đó. Từ kilômet thứ 3 trở đi, giá áp dụng 4.000 đồng/km sẽ lên 5.000 đồng/km.
Bên cạnh đó, Gojek sẽ thu phụ phí ban đêm 10.000 đồng đối với dịch vụ GoRide từ 22h đến 6h ngày hôm sau, phụ phí này sẽ khấu trừ 20% phí dịch vụ.
Tương tự, GoFood sẽ thu phí gửi xe 5.000 đồng/đơn hàng (áp dụng cho những đơn hàng trong trung tâm thương mại và không khấu trừ thuế 20% phí dịch vụ) và sẽ thu phụ phí ban đêm từ 23h đến 6h hôm sau với giá 10.000 đồng/đơn hàng.
Động thái này được Gojek đưa ra sau khi Nghị định 126 – thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ – có hiệu lực.
Gojek cho biết giá cước này đã bao gồm các loại thuế hiện hành, tỉ lệ khấu trừ với tài xế trên toàn bộ tổng doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng, bao gồm thuế giá trị gia tăng và mức phí dịch vụ 20%.
Gojek sẽ hoàn lại lần lượt từ 1-2% đối với đơn hàng GoRide, GoFood dựa trên tổng doanh thu từ chuyến xe – phí nền tảng. Số tiền này sẽ được gửi vào ví của tài xế vào thứ năm hằng tuần.
Trước đó, từ 5/12, Grab đã tăng 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên cả nước.
Theo đó, cách tính VAT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ có sự thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống.
Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp (Grab, Go-Jek…) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.