Sau ‘gói 62.000 tỉ’, Chính phủ đang xem xét nhiều chính sách giúp hồi phục kinh tế
Sau ‘gói 62.000 tỉ’ đang được triển khai, một dự thảo nghị quyết mới đã được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội đã được Bộ Kế hoạch – đầu tư hoàn tất, trình Chính phủ xem xét.
Nghị quyết lần này tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
“Tiếp tục thúc đẩy cải cách, đổi mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thu hút các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước” – văn bản của Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu rõ.
Giảm đồng loạt nhiều loại thuế, phí
Dự thảo nghị quyết trình Chính phủ xem xét nhiều chính sách rất cụ thể hướng đến kích thích kinh tế hồi phục, như miễn 100% lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch. Giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.
Với ngành hàng không, đề xuất miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không. Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa…
Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Cho phép hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước đến hết tháng 9-2020 đối với các khoản phải nộp thuế phát sinh từ tháng 3-2020.
Thuế giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng như dệt may, da dày, sản xuất đồ uống… cũng được đề xuất hoãn nộp đến tháng 9-2020.
Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng ưu tiên của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: giảm lãi suất ủy thác cho vãi khoảng 3%; giảm lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp khoảng 2%…
Thuế thu nhập cá nhân được đề xuất gia hạn nộp đến tháng 9-2020 đối với các khoản phải nộp của cá nhân làm việc tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 phát sinh từ tháng 3-2020.
Cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước, 50% kinh phí đi công tác nước ngoài
“Cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam” – dự thảo nghị quyết thể hiện.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công.
Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng nay (5-5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỉ đồng trong năm nay vô cùng quan trọng.
“Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được” – ông nói. “Cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương” như một nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết.
Cũng trong sáng nay (5-5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng họp để thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý 1-2020 chỉ đạt 3,82% là mức tăng thấp nhất 10 năm qua.
Đặc biệt, dịch bệnh khiến số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, số lao động mất việc làm tạm thời cũng gia tăng lớn trong thời gian qua.
LÊ KIÊN/TT