Sau EVFTA, ‘công ty Mỹ, châu Á sẽ tới VN để xuất khẩu sang EU thuế 0%’
Đại diện phòng thương mại, hội doanh nghiệp các nước châu Âu dự lễ ký EVFTA chiều 30/6 đều tin tưởng sẽ có thêm dòng vốn đầu tư vào Việt Nam một khi hiệp định có hiệu lực.
Chiều 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, cột mốc quan trọng mở đường cho bước tiếp theo là quá trình phê chuẩn ở Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam.
Thuế giảm xuống 0% đối với hàng Việt xuất sang EU sẽ khiến các công ty nước ngoài, kể cả không thuộc EU, có thêm động lực chuyển sản xuất sang Việt Nam, một đại diện thương mại nói với Zing.vn.
Đồng thời, các công ty xuất khẩu cần tìm cách đạt tiêu chuẩn hàng “sản xuất ở Việt Nam” theo định nghĩa của EU để tận dụng thuế 0%, theo một báo cáo mới công bố về EVFTA.
“Việt Nam là lựa chọn đầu tiên” về đầu tư trong ASEAN
“Với những công ty không mở rộng nữa hoặc đóng cửa ở Trung Quốc và đang muốn tìm một nước ASEAN có chi phí thấp hơn với môi trường kinh doanh thân thiện, Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên”, Thomas Debelic, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam, nói với Zing.vn tại lễ ký. “Với hiệp định này, các công ty châu Âu sẽ dễ dàng chuyển tới đây hơn”.
Hội đồng châu Âu gọi EVFTA là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển” và sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam (sau 10 năm) và hàng Việt Nam xuất sang EU (sau 7 năm).
Sau lễ ký, EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Khi ấy, 65% thuế quan đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam, và 71% thuế quan hàng Việt Nam sang EU sẽ lập tức biến mất.
“Sẽ có thêm doanh nghiệp mang sản xuất tới đây vì biết rằng họ có thể xuất khẩu sang châu Âu mà không chịu thuế, kể cả các công ty Mỹ hay các công ty châu Á”, Aymar De Liedekerke Beaufort, Tổng giám đốc ở Việt Nam của ngân hàng BNP Paribas (Pháp), nói với Zing.vn sau lễ ký các hiệp định. “10 năm nay, Việt Nam cũng hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, nhưng vì phải trả thuế quá cao khi xuất khẩu sang châu Âu, sức hấp dẫn có phần giảm đi”.
Ông tỏ ra rất vui vì tương lai sẽ có nhiều khách hàng là các tập đoàn châu Âu đến Việt Nam với các dự án lớn và sẽ cần vốn.
Ông Debelic cho biết thêm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) sẽ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít nguồn lực và tránh rủi ro hơn các tập đoàn lớn, tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
“Xương sống của kinh tế Đức là doanh nghiệp vừa và nhỏ – không giỏi tiếng Anh, chưa đầu tư ở nước khác, chỉ hoạt động trong địa phương với 200-300 nhân viên – nhưng họ vẫn muốn tìm kiếm cơ hội. Mọi sự bảo vệ và niềm tin ở một đất nước mà họ không biết đều có ý nghĩa lớn”, ông nói.
“IPA bảo đảm an toàn cho nguồn vốn và tài sản của các nhà đầu tư… có các tiêu chí rõ ràng về hành vi nào là không được phép, là phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại họp báo sau lễ ký.
“Chính phủ Việt Nam và EU đã nỗ lực để EVFTA thành hiện thực, giờ đến phần việc của các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại đi quảng bá, để giới doanh nghiệp hiểu về cơ hội làm ở Việt Nam”, Sonia Aparicio Salcedo, Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Ban Nha ở Việt Nam, trao đổi với Zing.vn. “Chúng tôi sẽ khuyến khích các công ty Tây Ban Nha tìm hiểu và đưa Việt Nam vào tầm ngắm”.
Cần nội địa hóa để hưởng thuế 0%
Việc ký kết EVFTA một lần nữa đặt lại vấn đề xuất xứ hàng hóa và lợi ích của việc đạt tiêu chuẩn hàng “sản xuất ở Việt Nam” mà EU đưa ra. Từ khi chưa có hiệp định EVFTA, một số hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ “sản xuất ở Việt Nam” đã được ưu đãi hơn về thuế.
Chẳng hạn hàng dệt may “sản xuất ở Việt Nam” chịu thuế 9,6%, so với mức thuế 12% mà hàng dệt may nói chung phải chịu khi nhập vào EU. Đó là ưu đãi thương mại mà EU dành cho nhiều nước đang phát triển, như một cách trợ giúp các nước đó.
Nhưng hàng dệt may từ Việt Nam dùng vải của Trung Quốc hay một nước khác sẽ không được coi là “sản xuất ở Việt Nam”, và phải chịu mức thuế 12% khi xuất sang EU. Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU lên tới 3,73 tỷ USD mỗi năm, ưu đãi gần 3% thuế từ việc được coi là hàng “sản xuất ở Việt Nam” có thể mang lại tới hàng triệu USD.
Giờ đây, với việc giảm thuế nhờ ký kết EVFTA, việc hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng đạt yêu cầu “sản xuất ở Việt Nam” càng trở nên quan trọng.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế EU đánh vào hàng dệt may Việt sẽ không còn là 9,6% mà sẽ về 0% đối với 42,5% dòng sản phẩm. Sau 3-7 năm, thuế về 0% đối với dòng sản phẩm còn lại, theo báo cáo mới về EVFTA được công ty chứng khoán Bảo Việt công bố tháng 6.
Để xác định nguồn gốc, EU yêu cầu hàng hóa phải “chuyển đổi hai lần” trong quá trình sản xuất ở cùng một nơi thì mới được coi là sản xuất ở nơi đó. Đối với hàng may mặc, bước “chuyển đổi” đầu tiên là dệt sợi thành vải, và bước “chuyển đổi” thứ hai sẽ là may vải thành chiếc áo, theo một bài viết trên New York Times năm 2013.
Mỹ thậm chí còn đòi hỏi “chuyển đổi ba lần”, chẳng hạn đối với hàng dệt may sẽ yêu cầu bản thân sợi vải cũng phải được sản xuất ở nước xuất xứ.
“Châu Âu đòi hỏi cao về chất lượng, hàng rào kỹ thuật cũng như việc thực thi các điều kiện về pháp luật rất cao. Các doanh nghiệp chúng ta phải nghiên cứu khi thâm nhập thị trường, đầu tư… để đáp ứng được yêu cầu của châu Âu”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, người đại diện cho Việt Nam ký kết EVFTA, phát biểu tại họp báo sau lễ ký.
Có khá ít doanh nghiệp Việt Nam dùng vải sản xuất trong nước.
“Tôi chủ yếu nhận đặt hàng từ các tập đoàn quốc tế, bên họ cho chúng tôi thiết kế và vật liệu”, Truong Thi Thuy Lien, chủ nhà máy Liên Phát, ở một khu công nghiệp phía đông bắc TP.HCM, nói với New York Times năm 2013. “Thường là khách hàng chỉ định một số nhà cung cấp (vải), đa số ở bên Trung Quốc”.
“Để sản phẩm may mặc được miễn thuế… vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU”, theo báo cáo của Bảo Việt. “Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt may chứ chưa sản xuất vải và sợi”.
“Để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may cắt”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, EVFTA có quy tắc xuất xứ cộng gộp mang tính linh hoạt: nếu vải có xuất xứ từ nước có hiệp định tự do thương mại với EU và Việt Nam, chẳng hạn như Hàn Quốc, thì sản phẩm dệt may cũng được coi là xuất xứ hợp lệ, được hưởng ưu đãi thuế như quy định trong EVFTA, theo báo cáo.
Vải mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sử dụng đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan, đều chưa có FTA với EU.
(Theo Zing News)