Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đối mặt khủng hoảng mới
Dịch Covid-19 đẩy hàng chục triệu người lao động Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
CNBC đưa tin ngày 15/5 Tổng cục Thống kê Trung Quốc thông báo tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị nước này tăng từ 5,9% hồi tháng 3 lên 6% trong tháng 4. “Áp lực việc làm là rất lớn”, người phát ngôn Tổng cục Thống kê cảnh báo.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc không đưa lao động nhập cư vào con số tỷ lệ thất nghiệp thành thị. Theo South China Morning Post, cuối tháng 4, hãng Zhongtai Securities công bố báo cáo khẳng định tỷ lệ thất nghiệp thực sự lên đến 20,5%, với 70 triệu lao động không có việc làm.
Thậm chí nhà kinh tế Liu Chenjie của Upright Asset đánh giá hồi cuối tháng 3 rằng dịch Covid-19 có thể đã đẩy tới 205 triệu lao động Trung Quốc vào cảnh “mất việc làm tạm thời”.
UBS ước tính rằng 50-60 triệu lao động Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ mất việc làm, trong khi hơn 20 triệu lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng rơi vào tình cảnh tương tự.
SCMP dẫn lời nhà kinh tế Zhang Lin ở Bắc Kinh nhận định tình trạng thất nghiệp do dịch Covid-19 gây ra nghiêm trọng hơn nhiều so với những cú sốc hồi cuối thập niên 1990 (25 triệu công nhân doanh nghiệp nhà nước mất việc làm) và khủng hoảng tài chính 2008-2009 (20 triệu lao động thất nghiệp).
Tệ hơn nữa, chuyên gia Zhang cho biết năng lực tạo công ăn việc làm mới của nền kinh tế Trung Quốc để hấp thu số lao động thất nghiệp đã bị hạn chế nghiêm trọng. Thời cuối thập niên 1990, khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc nhanh chóng tuyển dụng nhóm lao động mất việc làm.
Trong khủng hoảng tài chính 2008-2009, đô thị hóa với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc giúp đưa nhóm lao động thất nghiệp tới những công việc dịch vụ khu vực đô thị. “Nhưng hiện tại, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, đô thị hóa đã đạt đỉnh và khối kinh tế tư nhân đang lao đao”, chuyên gia Zhang nhấn mạnh.
Trong quý I, GDP Trung Quốc suy giảm tới 6,8%. Hàng chục triệu lao động vốn quen thuộc với nguồn thu nhập ổn định trong nhiều năm qua, giờ đột nhiên phải bám trụ với tiền tiết kiệm hoặc nhờ gia đình hỗ trợ.
Tình hình ở chợ lao động tạm thời Majuqiao tại ngoại ô thủ đô Bắc Kinh làm rất ảm đạm. Nhiều lao động vật vã với “hiện thực mới” là “không thu nhập, không phúc lợi nếu thất nghiệp”.
SCMP dẫn lời một lao động ngoài 20 tuổi kể anh đã tìm việc từ ngày 11/4 nhưng bất thành. Ít chủ lao động nào muốn trả phí an sinh xã hội bên cạnh tiền lương của anh.
Theo quy định an sinh xã hội Trung Quốc, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm hưu trí, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động và thai sản, cũng như quỹ nhà ở cho nhân viên. Đây là gánh nặng lớn với nhiều công ty sản xuất và dịch vụ quy mô nhỏ.
Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc né đóng bảo hiểm bằng cách khai báo lương lao động thấp hơn thực tế hoặc chỉ tuyển nhân viên bán chính thức. Tại trung tâm sản xuất miền nam Trung Quốc, không ít doanh nghiệp chỉ trả lương ngày cho người lao động.
Nhìn chung, mạng lưới an sinh xã hội Trung Quốc vẫn kém xa các nước phương Tây. Thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội cho thấy hệ thống trợ cấp thất nghiệp của chính phủ chỉ hỗ trợ được cho 2,3 triệu người trong quý I. Mỗi lao động nhận hỗ trợ 190 USD/tháng. Chính phủ cũng chỉ hỗ trợ được vỏn vẹn 67.000 lao động nhâp cư mất việc làm.
Nhà kinh tế Yao Wei thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale đánh giá hệ thống bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc “kém phát triển, không thể ứng phó khi số lao động thất nghiệp tăng vọt”.
Tại chợ lao động tạm thời Majuqiao ở ngoại ô Bắc Kinh, một cư dân địa phương cho biết ông rất buồn khi chứng kiến quá nhiều người trẻ thất nghiệp, vất vả đi tìm việc làm. “Cảnh tượng chẳng khác nào truyện Những người khốn khổ”, ông nói.
An Chi/ZNS