+
Aa
-
like
comment

Sau chất vấn, cần hành động!

10/11/2019 09:37

Đến chiều 8-11, Quốc hội (QH) khóa XIV đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Ở kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng liên quan cũng đã tham gia giải trình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm 11 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) QH.

Sau chất vấn, cần hành động! - Ảnh 1.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thực hiện quyền chất vấn tại nghị trường, ngày 8-11 Ảnh: NGUYỄN NAM

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu được thực hiện tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII (tháng 11-2015) với việc lần đầu tiên ĐB chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước ở trung ương trong việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm diễn ra kỳ họp.

Từ đó đến nay, hoạt động này đã trở thành thông lệ ở các kỳ họp của QH và ngày càng được không những cử tri cả nước mong đợi mà chính các ĐB trực tiếp tham dự các kỳ họp cũng háo hức.

Nói cho cân phân thì dù có lúc này lúc khác, một số ĐB khi chất vấn vẫn đưa ra những câu hỏi thiếu trọng tâm, chệch vấn đề; dù vẫn còn tình trạng người trả lời chất vấn có lúc hiểu vấn đề không sát, chuẩn bị không kỹ nên chưa thỏa mãn yêu cầu của ĐB, khiến người điều hành phiên chất vấn phải nhắc nhở… Nhưng điều thấy rất rõ là càng về sau, đặc biệt ở kỳ họp này, khá nhiều vấn đề tưởng rất “tế nhị” đã được các ĐB đem ra chất vấn, không hề e ngại.

Có vấn đề ở tầm quốc gia như chủ quyền biển đảo, có vấn đề liên quan đến công chức có chức quyền cụ thể như trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, có nội dung vốn đã tranh luận ở nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết rốt ráo như tuyển dụng cán bộ, tiêu cực trong lực lượng phòng chống tham nhũng… đều được các ĐB đưa thẳng vào các câu hỏi.

Phần trả lời chất vấn cũng thế, không chỉ những người đứng đầu Chính phủ mà các lãnh đạo ngành cũng ngày càng xuất hiện nhiều vị am hiểu sâu về lĩnh vực được giao quản lý, đủ bản lĩnh và khả năng hùng biện để trả lời rõ ràng các câu hỏi từ người chất vấn.

Thực sự thì với giới hạn một kỳ họp, sẽ không bao giờ là đủ cho việc đáp ứng những kỳ vọng của cử tri. Song, cử tri rất cần các ĐB, với phận sự của người đại diện cử tri, mang được những tâm tư, tình cảm lẫn bức xúc của họ đến nghị trường – nơi tập trung ý chí của toàn dân. ĐB không nói thay cử tri thì những gì được đặt ra trong các cuộc tiếp xúc giữa ĐB với cử tri trước các kỳ họp rốt cuộc chỉ “gió thoảng mây bay”. Chưa kể, ĐB không nói ra những điều cử tri bức xúc thì những người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành cũng khó có đầy đủ thông tin về những vấn đề dân sinh.

Sau những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dù chất lượng đến đâu, rõ ràng đến đâu thì điều cốt lõi mà cử tri trông đợi là ở hành động cụ thể của bộ máy nhà nước. Nếu chỉ dừng ở nghị trường thì đấy không phải là mong đợi của cử tri.

Theo sử liệu, khi đánh giá tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa I (kỳ họp thứ 12, tháng 4-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “QH ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người ĐB của nhân dân”. Làm trọn nhiệm vụ ĐB của nhân dân là một khái niệm có nội hàm rất rộng nhưng cử tri cũng hoàn toàn có thể định lượng được điều đó qua những việc làm cụ thể của từng ĐB, mà việc tham gia chất vấn và trả lời chất vấn thế nào cũng là một ví dụ.

Lương Duy Cường/Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều