+
Aa
-
like
comment

Sâu, Bướm và “Ngài”

31/08/2020 11:54

“Bướm” được chia làm hai loại, bướm ngày và bướm đêm, bướm đêm còn được gọi là “con ngài”, chúng chiếm khoảng trên 80% các chủng loại bướm.

Dù là bướm ngày và bướm đêm, chúng có đặc điểm chung là phát triển từ con sâu nằm trong kén, kén của ngài có vỏ cứng và thường được gọi là “nhộng”.

Quá trình biến đổi sinh học diễn ra âm thầm trong bóng tối bao phủ bởi cái kén giúp sâu biến thành bướm hoặc ngài. Có cánh thì bầu trời, mặt đất đều rộng mở, không còn biên giới quốc gia, bay đâu, đậu đâu tùy thích.

Vậy chuyện “ngài” đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc mà báo chí rầm rĩ gần đây không biết có liên quan gì đến chuyện chuyển hóa từ “sâu” đến “nhộng” rồi đến “ngài”?

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về mặt sinh học chắc chắn là không.

Nhưng về “quan học” thì có lẽ là có.

Trong hồ sơ mật được Al Jazeera công bố và được một tờ báo Anh Quốc dẫn lại về chuyện công dân nước ngoài đầu tư lấy hộ chiếu Cyprus (quốc đảo Síp), Việt Nam có 26 người, trong số đó có “ngài” đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và một người dính líu đến vụ án nghiêm trọng đã bị kết án tù ba năm tại Việt Nam.

Nghe nói gia đình ông Phạm Phú Quốc đã “đầu tư” khoảng 2,5 triệu USD – tương đương khoảng 57 tỷ đồng – để có hộ chiếu Síp. [1]
Nếu thông tin trên là chính xác, đây chắc chỉ là khoản đầu tư ban đầu, những khoản tiếp theo trong “Quỹ đầu tư gia đình” ông Quốc có khi ngay cả Thanh tra Chính phủ – cơ quan nắm giữ thông tin kê khai tài sản cán bộ cũng không biết.

Hay là với những chức tước đã từng nắm giữ, ông Phạm Phú Quốc không thuộc diện phải kê khai tài sản?

Đầu tư để di chuyển nơi cư trú (investment migration) bao gồm hai mức độ:

Đầu tư với mục đích cư trú/định cư lâu dài nhưng không thay đổi quốc tịch (residence-by-investment);

Đầu tư để nhập tịch (citizenship-by-investment), đây là cách thức đầu tư để có quyền công dân, nói cách khác là đầu tư để trở thành công dân nước đến đầu tư, được cấp hộ chiếu quốc gia đó.

Ông Phạm Phú Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội vào năm 2016, khi đó vị này chưa có quốc tịch Síp. Theo một bài báo nước ngoài, ông Phạm Phú Quốc và vợ được cho là có hộ chiếu Síp vào tháng 12/2018 theo chương trình “Hộ chiếu vàng” (golden passport).

Vào tháng 7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất, bỏ phiếu kín không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do không đủ tiêu chuẩn (có thêm quốc tịch Malta) và cá nhân có đơn xin rút.

Như vậy không thể nói ông Phạm Phú Quốc không biết sự việc liên quan đến quốc tịch Malta của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường – điều khiến bà Hường phải thôi đại biểu Quốc hội.

Ông Quốc không phải là doanh nhân như bà Hường.

Trước khi giữ chức Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là Công ty Tân Thuận – IPC) – đơn vị 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh quản lý – ông Thuận từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bến Thành, Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HIFC), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 28/9/2018, thời điểm ông Phạm Phú Quốc làm Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HIFC, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh và một số cá nhân (trong đó có ông Phạm Phú Quốc) vì “đã vi phạm trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ giảm sút”.

Như vậy, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm điều 8 trong 19 điều đảng viên không được làm: “Quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí và các tiêu cực khác”.
Vấn đề là vì sao sau khi bị kỷ luật, ông Quốc vẫn được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tín nhiệm để đưa về lãnh đạo Công ty Tân Thuận?

Tháng 9/2018 ông Quốc bị kỷ luật, ba tháng sau, vào tháng 12/2018 ông Phạm Phú Quốc trở thành công dân Síp.

Theo một lãnh đạo Ban Tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp có hai quốc tịch, thì đảng viên Phạm Phú Quốc đã vi phạm quy định khi không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Ba cơ quan quản lý trực tiếp ông Phạm Phú Quốc là Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội và Thanh tra Chính phủ đều không biết “ngài” đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã trở thành công dân Síp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi quản lý nguồn tiền công dân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng không biết nguồn tiền được cho là khoảng 2,5 triệu USD gia đình ông Quốc chuyển ra nước ngoài như thế nào.

Vượt qua rào cản từ kỷ luật đảng, công tác quản lý cán bộ đến quản lý đầu tư một cách suôn sẻ như đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, chẳng lẽ an ninh quốc gia lại có lỗ hổng như vậy?

Quá trình trở thành công dân Síp của ông Quốc là bí mật tuyệt đối trước cơ quan chức năng của Việt Nam, phải chăng nó cũng không khác gì hiện tượng con sâu âm thầm nằm trong kén, chuyển hóa những thứ béo bở thu được để biến thành “con ngài”.

Cuối năm 2018, báo Vietnamnet.vn có bài: “Chủ tịch TP.HCM: Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm ‘nhuệ khí’ công chức”.

Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, rằng “Việc đón nhiều đoàn thanh, kiểm tra, giám sát giúp Thành phố Hồ Chí Minh thấy rõ các hạn chế để làm tốt hơn nhưng cũng làm giảm đi sự năng động của cán bộ”! [2]

Sự năng động trong công việc bị giảm nhưng sự “năng động” khác, như trường hợp ông Phạm Phú Quốc chắc chắn không giảm, bởi nếu giảm thì gia đình ông này lấy đâu mấy chục tỷ đồng để biến vợ chồng thành công dân Síp?

Quy định trong Luật Quốc tịch cũ có thể chưa rõ ràng trong khi Luật Quốc tịch mới chưa có hiệu lực thi hành nhưng vấn đề không chỉ nằm ở luật.

Liệu một Đại biểu Quốc hội giấu giếm nhận quốc tịch nước ngoài có đảm bảo sự trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc?

Liệu người đó có sẵn sàng khi tổ quốc lâm nguy hay “tổ quốc” của họ không phải là dải đất hình chữ S ven Biển Đông mà là hòn đảo phía đông Địa Trung Hải?

Một đảng viên lừa dối tổ chức, một đại biểu Quốc hội lừa dối cử tri, một lãnh đạo đã bị kỷ luật nhưng vẫn tại vị, phải chăng ông Phạm Phú Quốc chẳng ngán gì chiến dịch “đốt lò” mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng?

Và còn bao nhiêu “đồng chí chưa bị lộ” vẫn đang cất hộ chiếu nước ngoài trong tủ?

GD

Bài mới
Đọc nhiều