+
Aa
-
like
comment

Sau 7 năm Việt Nam đóng cửa rừng tự nhiên

21/12/2020 09:29

Tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam tăng liên tục các năm qua, tuy nhiên mỗi năm vẫn xảy ra hàng trăm vụ phá rừng trong bối cảnh lực lượng kiểm lâm nhiều nơi còn “thiếu và yếu”.

Chiều muộn giữa tháng 12, khu rừng ở phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) rung chuyển bởi những tiếng nổ mìn ầm ầm từ hoạt động khai thác đá của nhà máy xi măng Duyên Hà nằm sát đó. Khu rừng tự nhiên này nằm trên núi đá vôi xanh rì các loại cây gỗ ô rô núi, gỗ trai, cùng nhiều loài cây bụi.

Hai tháng trước, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển đổi 38 ha rừng ở khu vực trên để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi cho dây chuyền II của nhà máy xi măng Duyên Hà. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng diện tích này thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, việc chuyển đổi để khai thác khoáng sản là trái với Nghị định 83 về thi hành Luật Lâm nghiệp.

Khu vực khai thác đá giáp ranh rừng phường Tân Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Tất Định.
Khu vực khai thác đá giáp ranh rừng phường Tân Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Tất Định.

Gia đình ông Phạm Xuân Bình, 77 tuổi, phường Tân Bình (TP Tam Điệp) di cư tới Ninh Bình từ năm 1963. Gắn bó với khu rừng hàng chục năm, ông Bình ủng hộ việc bác bỏ đề nghị chuyển đổi rừng làm mỏ đá vôi.

“Hồi nhỏ tôi vào rừng kiếm củi còn thấy rất nhiều chim chóc, thú hoang, sau cứ ít dần đi. Cây cối trên núi đá vôi lớn chậm, bao năm rồi vẫn thế. Nhờ có khu rừng này mà giảm bớt được khói từ phía nhà máy xi măng phát tán sang khu dân cư”, ông nói và chia sẻ nếu chuyển đổi hết thành mỏ đá vôi, chắc không ai sống nổi ở đây.

Khu rừng ở phường Tân Bình là một trong số 3.630 dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên cả nước từ năm 2017 đến nay, với tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong số 3.630 dự án nêu trên, Thủ tướng chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với đối với 133 dự án (chiếm 3,66% dự án đề xuất) thực sự cấp thiết và đảm bảo hiệu quả kinh tế- xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Tổng diện tích được xem xét chấp thuận là 3.325 ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất, gồm rừng tự nhiên 1.581 ha, rừng trồng 1.582 ha, đất chưa có rừng 164 ha. Trong các dự án này, không có trường hợp nào mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Khu rừng đá vôi ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp. Ảnh: Tất Định.
Khu rừng đá vôi ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp. Ảnh: Tất Định.

GS Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nhìn nhận việc hàng nghìn dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng bị từ chối trong những năm qua, cho thấy chủ trương đóng cửa rừng đã phát huy tác dụng, “không chỉ ngăn chặn chặt phá rừng mà còn bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sống”.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chủ trường đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên ở Việt Nam có từ năm 2014. Lúc này, các cơ quan quản lý bắt đầu hạn chế cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, nghĩa là không còn cấp chỉ tiêu chặt hạ cây rừng để lấy gỗ “nhằm mục đích kinh tế là chính” như trước.

Đến 2017, Việt Nam chấm dứt hoàn toàn cho phép khai thác chính và khai thác tận thu gỗ rừng tự nhiên. Đây cũng là năm Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu “dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước”. Chủ trương này được thể chế hóa tại các Điều 29, 30, 31 và 31 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về “đóng, mở cửa rừng tự nhiên”.

Theo đó, việc đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong hai trường hợp. Đầu tiên là tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng. Thứ hai, rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng.

“Những năm qua, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định 83 hướng dẫn thi hành Luật này. Các cơ quan quản lý và người dân đã tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi, giúp tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% năm 2019”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nói.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp thống kê khoảng 22.800 ha rừng bị thiệt hại giai đoạn 2011-2019, trong đó nguyên nhân cháy rừng là 13.717 ha, phá rừng 9.073 ha. Riêng năm 2019, hơn 578 ha rừng bị phá trái phép trên toàn quốc.

Lực lượng kiểm lâm huyện Bắc Trà My bắt hàng chục m3 gỗ. Ảnh: Đắc Thành.
Lực lượng kiểm lâm huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bắt hàng chục m3 gỗ. Ảnh: Đắc Thành.

“Nguyên nhân phá rừng do tình trạng di dân tự do còn diễn ra ở một số nơi; người dân nhiều địa phương phá rừng tự nhiên để lấy đất chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý”, ông Nguyễn Quốc Trị cho hay.

Nguyên nhân khác là chính quyền cơ sở nhiều nơi thiếu kiên quyết ngăn chặn việc phá rừng; đầu tư cho công tác bảo vệ rừng còn thấp, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém, bất cập…

Ở địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về diện tích rừng với 682.221 ha, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, nhìn nhận việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đứng trước nhiều thách thức do lực lượng kiểm lâm “vừa thiếu, vừa yếu về sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Những nỗ lực thực hiện chủ trương đóng cửa rừng ở Quảng Nam đã mang lại kết quả, khi các vụ xâm hại rừng trên địa bàn giảm dần theo thời gian; trong đó năm 2020 giảm 18 vụ so với năm 2019. Tuy nhiên ở một số khu vực điểm nóng, lực lượng kiểm lâm vẫn còn “mỏng” so với yêu cầu nhiệm vụ. Đơn cử huyện Bắc Trà My với hơn 29.000 ha rừng tự nhiên và 31.000 ha rừng trồng. Theo quy định, huyện này cần ít nhất 19 kiểm lâm song hiện còn thiếu 9 người; trong số các kiểm lâm viên đang làm việc, một nửa đã trên 50 tuổi, không còn ở độ tuổi sung sức để thường xuyên tuần tra, kiểm soát.

“Toàn tỉnh còn thiếu khoảng 70 kiểm lâm theo quy định”, ông Phạm Viết Tích nói.

GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, để tiếp tục quản lý chặt chẽ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, Chính phủ cần tăng cường lực lượng kiểm lâm và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan. “Việt Nam nên tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên vĩnh viễn, qua đó thể hiện quyết tâm và tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này”, ông kiến nghị.

Ngoài ra, để bảo vệ rừng đi đôi với phát triển kinh tế, GS Lung nói các địa phương cần mở rộng dịch vụ rừng, đầu tư du lịch sinh thái để lấy kinh phí nâng cấp, mở rộng trồng rừng.

Đưa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh vào nghị quyết, là đề xuất của thành viên Chính phủ tại cuộc họp bàn hôm 18/12, về nội dung dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng rừng và trồng cây ở các khu đô thị.

Tất Định – Đắc Thành/VNE

Bài mới
Đọc nhiều