+
Aa
-
like
comment

Sau 29 năm bị khởi tố oan, kiện viện kiểm sát đòi đền hơn 160 tỉ

18/12/2019 14:26

Đã 29 năm kể từ ngày bị khởi tố, bắt tạm giam oan, nhưng ông Châu Ngọc Ngừng vẫn chưa thể đòi lại được các quyền lợi chính đáng của mình vì hàng loạt sai sót kéo dài của các cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre.

Sau 29 năm bị khởi tố oan, kiện viện kiểm sát đòi đền hơn 160 tỉ - Ảnh 1.
Hàng chục năm bị oan nhưng ông Ngừng vẫn chưa đòi lại được quyền lợi hợp pháp của mình – Ảnh: N.V.

Vụ kiện đang được TAND TP Bến Tre thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử giữa nguyên đơn là ông Châu Ngọc Ngừng (62 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, TP Bến Tre), bị đơn là Viện KSND tỉnh Bến Tre.

Cơ quan cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bến Tre được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Phiên tòa được mở lại bởi quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án của TAND TP Bến Tre do sai sót.

Yêu cầu bồi thường hơn 160 tỉ đồng

Cách đây 29 năm, ông Châu Ngọc Ngừng bị CQĐT Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt tạm giam về tội “nhận hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Lúc này, ông Ngừng là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Bến Tre, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND phường 6, thị xã Bến Tre. Sau hơn 2 năm bị bắt tạm giam, ông Ngừng được tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại.

Ngày 1-11-1993, TAND tỉnh Bến Tre tuyên ông Ngừng không phạm hai tội như cáo buộc của viện kiểm sát. Sau đó, Viện KSND tỉnh Bến Tre đã có quyết định kháng nghị phần dân sự trong bản án hình sự. Kháng nghị này được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM chấp nhận. Riêng phần trách nhiệm hình sự đối với ông Ngừng không có kháng cáo, không có kháng nghị đã được y án.

Sau khi bản án có hiệu lực, ông Ngừng có đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Bến Tre và CQĐT Công an tỉnh Bến Tre phải bồi thường oan sai cho ông. Tại đơn khởi kiện, ông Ngừng yêu cầu Viện KSND tỉnh Bến Tre phải xin lỗi công khai và bồi thường cho ông số tiền hơn 7,4 tỉ đồng gồm tiền tổn thất tinh thần, tiền lương 2 năm không được xét, mất thu nhập sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, ông Ngừng còn yêu cầu bồi thường tiền chênh lệch giá do Viện KSND tỉnh Bến Tre chậm bồi thường oan sai và CQĐT Công an tỉnh Bến Tre chậm trả tang vật gây tổn thất về kinh tế cho ông. Cụ thể năm 1996, ông phải bán 364m2 đất với giá 90 triệu đồng để thi hành bản án.

Do uất ức vì oan sai nên ông bị bệnh não, mẹ ông ngã bệnh, ông phải bán nhà để nuôi hai đứa con. Nhà đất hơn 1.000m2 ông bán với giá hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà đất có giá hơn 4,4 tỉ đồng nên ông đề nghị được thanh toán số tiền chênh lệch.

Tại đơn khởi kiện, ông Ngừng còn đề nghị tòa tuyên buộc CQĐT Công an tỉnh Bến Tre phải bồi thường cho ông số tiền hơn 151 tỉ đồng. Lý do: khi bị bắt, cơ quan điều tra đã thu giữ của ông một số giấy tờ có đánh số thứ tự từ 1 đến 59. Đây là các giấy tờ thể hiện việc ông mua bán, cho vay, góp vốn kinh doanh, chơi hụi… với nhiều người. Cơ quan tố tụng cũng thu giữ của ông một sổ tiết kiệm. Nếu không trả được giấy tờ và sổ tiết kiệm thì phải bồi thường cho ông.

29 năm sóng gió

Khi thụ lý vụ án, TAND TP Bến Tre xác định Viện KSND tỉnh Bến Tre là bị đơn và CQĐT Công an tỉnh Bến Tre là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Có mặt tại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Bến Tre thừa nhận ông Ngừng bị oan và đồng ý bồi thường cho ông theo quy định. Tuy nhiên, mức bồi thường do ông Ngừng đưa ra quá cao nên viện kiểm sát không chấp nhận.

Trong khi đó, đại diện Công an tỉnh Bến Tre cho rằng các tài liệu là giấy tờ của ông Ngừng được đánh số từ 1 đến 59 đã được đưa vào hồ sơ hình sự và được lưu giữ tại TAND tối cao, vì vậy không thể trả lại cho ông Ngừng. Với yêu cầu bồi thường số giấy tờ này, Công an tỉnh Bến Tre không đồng ý vì cho rằng đây không phải là giấy tờ có giá.

Tháng 2-2016, TAND TP Bến Tre xét xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ngừng, buộc Viện KSND tỉnh Bến Tre phải xin lỗi công khai, bồi thường cho ông số tiền gốc và lãi của sổ tiết kiệm là hơn 700.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần hơn 136 triệu đồng.

Riêng yêu cầu bồi thường hơn 151 tỉ đồng đối với các giấy tờ có đánh số, HĐXX không chấp nhận mà cho rằng ông Ngừng có thể khởi kiện bằng một vụ án khác. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Ngừng kháng cáo. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre đã bác đơn của ông, tuyên y án sơ thẩm.

Không bỏ cuộc, ông Ngừng tiếp tục gửi đơn đề nghị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên. Đơn kiến nghị được ông gửi liên tục từ năm 2016 thì bất ngờ đến tháng 1-2019, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy một phần bản án của TAND TP Bến Tre.

Sau đó, quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để xét xử lại. Theo cấp giám đốc thẩm, những sai sót của bản án đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngừng.

Phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Bến Tre thụ lý lại đang chuẩn bị được đưa ra xét xử. HĐXX đã triệu tập lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bến Tre và CQĐT Công an tỉnh Bến Tre tham gia tố tụng.

29 năm vướng vào oan sai, khiếu nại và kiện tụng để đòi quyền lợi chính đáng cho mình đã khiến sức khỏe ông Ngừng suy kiệt. Trong một lần trên đường đi nộp đơn khiếu nại, ông Ngừng bị tai nạn giao thông khiến một chân bị cụt, mắt bị mờ…

Nhưng ông không bỏ cuộc. “Những ngày tôi mới nộp đơn khiếu nại, công an và viện kiểm sát cứ chỉ tôi chạy tới chạy lui, cơ quan này nói trách nhiệm bồi thường thuộc cơ quan kia. Tôi bị oan, tài sản bị thu giữ hết không còn gì, vậy mà đến nay các cơ quan vẫn không chịu trả lại cho tôi. Mất mát của cuộc đời tôi là vô cùng lớn. Tôi chỉ mong sớm được giải quyết để yên tâm dưỡng già…” – ông Ngừng chia sẻ.

Thu giữ giấy tờ nhưng không trả

Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM nêu rõ CQĐT Công an tỉnh Bến Tre đã thu giữ sổ tiết kiệm của ông Ngừng thì phải trả lãi suất cho ông. Các giấy tờ được đánh số thứ tự từ 1 đến 59 ghi nhận khoản tiền làm ăn giữa ông Ngừng và những người khác đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Cấp giám đốc thẩm nhận định tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng việc thu giữ các giấy tờ này không gây thiệt hại cho ông Ngừng và tách ra để ông khởi kiện bằng một vụ án khác là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của ông. Lý do: cơ quan điều tra không trả lại bản gốc các giấy tờ nêu trên thì ông Ngừng không thể thực hiện được quyền khởi kiện đối với những người đã xác lập giao dịch với ông. Quyết định giám đốc thẩm nhận định cần buộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre trả lại 59 giấy tờ nêu trên cho ông Ngừng.

Ngoài ra, ông Ngừng bị bắt khi con ông mới 3 tuổi. Luật hôn nhân và gia đình và các thông tư liên quan đều quy định về việc bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi con, nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông Ngừng là chưa đúng. Các nội dung sai sót này bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy để TAND TP Bến Tre xét xử lại.

TÂM LỤA/TTO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều