Sau 2 tuần chiếm Kabul, Taliban đang nói một đằng, làm một nẻo
GS Andrew Bellisari (ĐH Fulbright Việt Nam) nói Taliban khó có thể kiểm soát toàn bộ xã hội như 20 năm trước, vì cả một thế hệ thanh niên đã lớn lên dưới thời chính phủ vừa sụp đổ.
“Tuy chắc chắn không hoàn hảo, chính quyền Afghanistan trong 20 năm qua vẫn có thể mang lại một xã hội toàn diện với sự tham gia của đại diện nhiều nhóm cộng đồng”, ông Bellisari nói.
Tròn 2 tuần trước, Taliban tiến vào thủ đô Kabul, đánh dấu sự trở lại của lực lượng từng cai trị Afghanistan cho tới khi bị liên quân do Mỹ hậu thuẫn đánh bại.
Giáo sư Bellisari cho hay thế hệ lớn lên trong 20 năm qua đã quen với sự tự do, đặc biệt là phụ nữ. Vì thế, Taliban lúc này sẽ khó có thể kiểm soát toàn bộ xã hội như trong giai đoạn cầm quyền trước.
Trước vụ đánh bom ngày 26/8 làm chết ít nhất 13 binh sĩ Mỹ và 90 người Afghanistan tại Kabul, ông Bellisari cho rằng Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc trừng phạt phần tử khủng bố nếu quân đội nước này rút đi đúng hạn chót ngày 31/8.
Mỹ và Afghanistan cùng là nạn nhân
– Mỹ có trách nhiệm như thế nào trong vụ đánh bom vừa qua tại sân bay Kabul?
– GS Bellisari: Tôi nghĩ vai trò duy nhất của Mỹ trong sự kiện này là một nạn nhân. Tuy trước đó Mỹ có thông tin tình báo cảnh báo rằng có thể xảy ra tấn công, tình hình thực tế luôn không ngừng biến đổi, tình thế an ninh cũng rất bất trắc.
Hoạt động sơ tán tại sân bay Kabul đã trở thành cơ hội tốt cho những tổ chức có ý đồ can thiệp và phá hoại. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) đã nhận trách nhiệm cho vụ tấn công.
Một điều đáng chú ý là Taliban đã lên án vụ đánh bom. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy liệu đây là lời lên án thật tâm hay chỉ là cử chỉ ngoại giao. Nhưng điều chắc chắn ở đây là một tổ chức như IS-K đang nhìn thấy cơ hội để tiếp tục gieo rắc sự bất ổn, nỗi sợ, và sự khủng bố trong khu vực.
Ngoài ra, sự kiện này cũng cho thấy dù Taliban đã lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan, tại quốc gia này vẫn tồn tại một số tổ chức sẽ tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình, và thông thường là bằng cách thức bạo lực.
– Vụ khủng bố sẽ đặt ra thách thức gì cho Mỹ? Dù ông Biden thề sẽ trừng trị những phần tử khủng bố, Mỹ có thể có hành động gì khi đã rút gần hết lực lượng quân đội?
– GS Bellisari: Những người theo sát tình hình có lẽ sẽ không ngạc nhiên khi một tổ chức như IS-K muốn lợi dụng tình trạng hỗn loạn, sợ hãi, và sơ hở của không chỉ người Mỹ mà cả người Afghanistan đang muốn rời khỏi đây.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng đại đa số nạn nhân là người Afghanistan. Tuy số nạn nhân bao gồm 13 binh sĩ Mỹ, người Afghanistan là phía chịu thiệt hại nặng nề hơn. Vì thế, đây là vụ tấn công nhắm vào cả người Mỹ và người Afghanistan.
Chắc chắn là Mỹ có cách để tiếp cận, truy tìm, và trừng phạt tổ chức IS-K. Nhưng điều này có thể gặp khó khăn khi quân đội Mỹ sẽ rút đi trong vài ngày tới, nếu chính quyền Biden tuân thủ hạn chót là ngày 31/8.
Tôi không muốn phỏng đoán quá nhiều, nhưng một số thông tin cho thấy quân đội Mỹ đã có tình báo về nguy cơ xảy ra một vụ tấn công như vậy. Do đó, nhiều khả năng quân đội Mỹ sẽ có thể xác định một số thủ phạm.
Trong lúc vẫn hiện diện ở sân bay Kabul, Mỹ có thể tận dụng một số nguồn lực quân sự để tung đòn tấn công nhưng chỉ thời gian mới hé lộ chuyện này. Chắc chắn là nếu điều ấy xảy ra, đòn tấn công sẽ không được thực hiện bằng lực lượng trên mặt đất mà có thể tới từ trên không.
(Ngày 28/8, Mỹ đã không kích và tiêu diệt 2 mục tiêu cấp cao của IS-K và làm bị thương 1 nhân vật khác. Mục tiêu của vụ không kích là “người đã lên kế hoạch và điều hành’ IS-K ở Afghanistan, theo Lầu Năm Góc – PV).
– Một số ý kiến từ phe Cộng hòa kêu gọi ông Biden từ chức sau vụ đánh bom. Điều này phản ánh tình hình chính trường Mỹ như thế nào?
– GS Bellisari: Việc đòi từ chức là không công bằng với ông Biden. Tôi cho rằng đây chỉ là biểu hiện của tính chất phân chia đảng phái mạnh mẽ của chính giới Mỹ trong lúc này.
Những lời kêu gọi từ chức đang xuất phát từ những gương mặt quen thuộc, tức là từ thành viên trong đảng Cộng hòa, những người không ưa Tổng thống Biden. Vì thế, những lời kêu gọi ông Biden từ chức là nằm trong dự liệu và không nên quá quan trọng vấn đề này.
Lời nói của Taliban không đi cùng hành động
– Theo ông, vụ tấn công này có thể ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tới niềm tin của người Afghanistan vào Taliban.
– GS Bellisari: Có hai điều tôi cho rằng cần được nhấn mạnh. IS-K đã tự nhận đứng đằng sau vụ tấn công, cho thấy đây vẫn là lực lượng có khả năng thách thức Taliban, dù chỉ là ở một phương diện rất nhỏ.
Từ trước vụ tấn công, lời hứa chuyển giao hòa bình và không có sự trả thù của Taliban đã luôn bị nghi ngờ. Nhiều ngày trước vụ đánh bom, có thông tin phản ánh việc Taliban truy tìm những người nguyên là thành viên của quân đội chính phủ Afghanistan, hoặc bắt ép quan chức chính phủ và quân đội đi làm việc trở lại.
Chúng ta cũng đã thấy Taliban phải dùng tới các dạng vũ lực ở gần sân bay quốc tế Kabul để ngăn cản người dân đến gần sân bay.
Tôi cho rằng Taliban đã rất nhanh chóng thể hiện rằng lời nói của tổ chức này không đi đôi với hành động.
– Một số lực lượng nổi dậy tại Afghanistan đã đứng lên phản kháng Taliban. Taliban nên ứng xử thế nào với những lực lượng này, trong khi đã hứa hẹn chuyển giao quyền lực hòa bình và bớt cực đoan?
– GS Bellisari: Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Taliban không sử dụng lực lượng quân sự để phản ứng trước các cuộc nổi dậy.
Taliban lúc nào cũng có thể nói rằng họ vốn hy vọng chuyển giao quyền lực hòa bình, nhưng vẫn có thể dùng vũ lực để bảo vệ vai trò “người cai quản đất nước” nếu cần thiết.
Có lẽ cuộc nổi dậy hiện tại vẫn còn khá cô lập nên Taliban vẫn chưa cảm thấy phải có hành động đối phó ngay lập tức, chừng nào phong trào phản kháng không có dấu hiệu lan rộng.
Vì thế, Taliban nhiều khả năng sẽ cố ngăn lực lượng phản kháng mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực hiện tại và giải quyết vấn đề này vào thời điểm khác có lợi hơn.
Taliban khó kiểm soát toàn xã hội
– Ông đánh giá thế nào về khả năng chính quyền Biden thiết lập một dạng “quan hệ ngoại giao” với Taliban để giải quyết tình trạng hỗn loạn ở khu vực?
– GS Bellisari: Tôi nghi ngờ khả năng giữa hai bên sẽ hợp tác dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian gần.
Về ngắn hạn và trung hạn, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung khó có thể giao thiệp với Taliban dưới bất cứ hình thức nào, ngoại trừ những hình thức liên lạc ngoại giao sơ đẳng nhất – có thể là một cơ chế đại diện nào đó tại Afghanistan.
– Theo ông, cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban sẽ khác gì so với chính quyền Afghanistan cũ hay so với chính quyền Taliban những năm 1990?
– GS Bellisari: Chúng ta cần thời gian để nhìn nhận chính phủ mới của Taliban hoặc chính phủ do lực lượng này dẫn dắt. Họ vẫn đang bàn bạc về một chính phủ chuyển giao mà có thể bao gồm các thành viên không thuộc Taliban.
Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nhận xét về kết quả mà quá trình trên sẽ mang lại. Điều duy nhất chúng ta có lúc này là thực tiễn lịch sử.
Taliban có thể nói mình đã nâng cấp tư duy, thay đổi hành vi và quan điểm, cũng như lập trường về vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Nhưng như chúng ta đã biết, nhà nước Tiểu Vương quốc Hồi giáo mà Taliban thành lập tại Afghanistan trong giai đoạn 1996-2000 là một chế độ độc đoán.
Tuy chắc chắn không hoàn hảo, chính quyền Afghanistan trong 20 năm qua vẫn có thể mang lại một xã hội bao trùm hơn và có sự tham gia của người dân. Cả một thế hệ thanh thiếu niên Afghanistan đều có thể tự viết nên tương lai của chính mình. Đặc biệt, phụ nữ có thể nắm giữ những vai trò mới trong xã hội.
Bất kể chính quyền do Taliban dẫn dắt sẽ ra sao, chúng ta không thể quên đi thực tế rằng thế hệ nói trên có thể chưa từng trải qua một chính quyền nào khác. Bất cứ ai sinh sau năm 2002 sẽ lớn lên dưới thời của chính phủ Afghanistan vừa sụp đổ.
Vì thế hệ trên, tôi cho rằng Taliban lúc này sẽ khó có thể kiểm soát toàn bộ xã hội như trong giai đoạn những năm 1990.
Giáo sư Andrew Bellisari giảng dạy lịch sử chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Rutgers ở New Jersey và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard. Ông Bellisari cũng từng có thời gian nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Weatherhead ở Đại học Harvard, tập trung vào lịch sử Trung Đông và châu Âu hiện đại.
Đại Hoàng – Quốc Đạt