+
Aa
-
like
comment

Sau 1 năm tích cực đột phá, các bộ lặng lẽ, kém nhiệt tình hơn

27/12/2019 06:01

Sau những chuyển động tích cực, có tính cải cách, đột phá, pháp luật kinh doanh năm 2019 vẫn còn nhiều điểm thiếu tính thống nhất, chồng chéo, các điều kiện bất hợp lý, thậm chí là độc quyền,… gây khó khăn cho DN.

Thiếu nhất quán

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Theo VCCI, năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11/2019, có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500-800 thông tư của các năm trước. Có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định so với cùng kỳ năm 2018.

Những chuyển động tích cực, có tính cải cách, đột phá thì năm 2019, sự nhiệt tình của các Bộ, ngành đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn tồn tại bất cập lớn, đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, tại các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Bảo vệ môi trường, Tài nguyên nước,… chưa thống nhất về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thời hạn thực hiện thủ tục; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính…

Thực tế này đang khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục không? Do sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật nên quy định triển khai dự án kéo dài, thậm chí đình trệ, không thể triển khai, tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp. Từ đó, làm cho môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi…

Một trong những nội dung trọng tâm của Báo cáo là tình hình cắt giảm điều kiện kinh doanh diễn ra khá lặng lẽ. Sau năm 2018 với những chuyển động tích cực, có tính cải cách, đột phá thì năm 2019, sự nhiệt tình của các Bộ, ngành đã giảm đi đáng kể. Có lẽ các bộ, ngành nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh hơn nữa. Những bộ, ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm thì mức độ cũng không được mạnh mẽ như năm trước, trong khi vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.

Chẳng hạn như: Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh khí, tuy đã cắt giảm nhiều nhưng vẫn chưa thực sự triệt để. Một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý vẫn được giữ lại, như quy định thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu.

Còn nhiều tranh cãi

Báo cáo cũng chỉ ra thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 có quy định gây tranh cãi trong nhiều lĩnh vực được cho là nhạy cảm.

Nói về câu chuyện về dịch vụ thông tin tín dụng các tác giả báo cáo cho rằng, đây lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng là quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý quy định tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP. Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.

Sau 1 năm tích cực đột phá, các bộ lặng lẽ, kém nhiệt tình hơn
Năm 2019, các quy định pháp luật yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cấp, trình độ vẫn được soạn thảo hoặc ban hành, gây vướng mắc cho DN.

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Dự thảo nghị định thay thế nghị định về hoạt động thông tin tín dụng, vẫn duy trì quy định này. Đây là vấn đề gây tranh luận lớn trong quá trình soạn thảo, báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra là quy định yêu cầu bằng cấp, trình độ người đứng đầu doanh nghiệp đã gây ra nhiều vướng mắc từ nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2015, Luật Kế toán ban hành quy định: người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải là kế toán viên hành nghề.

Khi đó, một số công ty kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có dịch vụ kế toán và ngành này chỉ đóng góp một phần trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Khi quy định có hiệu lực, doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: nếu doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ kế toán thì phải phế truất giám đốc doanh nghiệp và đưa người phụ trách mảng dịch vụ kế toán lên làm làm giám đốc hoặc ngược lại, doanh nghiệp phải từ bỏ lĩnh vực kinh doanh và phải sa thải toàn bộ nhân sự thuộc mảng này.

Đáng nói, năm 2019, các quy định pháp luật yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cấp, trình độ vẫn được soạn thảo hoặc ban hành và gây rất nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng, năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018. Từ đó, cải thiện được môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trần Thủy/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều