“Sát thủ thầm lặng” của thế giới
Tuần này chứng kiến nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục ngày nóng nhất từng được ghi nhận trong hai ngày liên tiếp, theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ.
Hôm 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C (62,62 độ F), mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận. Vào ngày 4/7, nhiệt độ trung bình thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C. Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016.
Các chuyên gia cảnh báo rằng kỷ lục này có thể bị phá vỡ thêm vài lần nữa trong năm nay, theo CNN.
Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại Berkeley Earth, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 4/7 rằng thế giới “có thể sẽ chứng kiến một vài ngày thậm chí còn nóng hơn nữa trong 6 tuần tới”.
Kỷ lục toàn cầu này mới chỉ mang tính chất ghi nhận sơ bộ, nhưng được cho là một dấu hiệu khác cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh như thế nào, với sự xuất hiện của El Niño – hiện tượng trước mắt từ sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham ở Anh, nói với CNN hôm 5/7: “Đây không phải là một kỷ lục đáng để ăn mừng và sẽ không kéo dài lâu, khi mùa hè ở bán cầu Bắc vẫn đang ở phía trước và El Niño đang tiến triển”.
Giáo sư Peter Stott, người đứng đầu cơ quan giám sát và phân bố khí hậu của Văn phòng Khí hậu Anh, nhận định.“Nếu vài thập kỷ trước, một số người nghĩ rằng biến đổi khí hậu là hiện tượng diễn ra tương đối chậm, thì giờ đây chúng ta đang chứng kiến khí hậu thay đổi với tốc độ đáng sợ”.
“Khi El Nino hình thành trong suốt thời gian còn lại của năm nay, nó làm tăng thêm tác động nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Hàng triệu người trên khắp hành tinh và nhiều hệ sinh thái đa dạng sẽ phải đối mặt với thách thức phi thường, đồng thời gánh chịu thiệt hại lớn”, ông nhấn mạnh.
Năm 2023 đang chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ trên khắp thế giới, đi kèm hậu quả tàn khốc.
Không chỉ thế, hậu quả từ việc trái đất nóng dần lên đang tác động đến nhiều lĩnh vực và hàng tỉ người, trong đó có lực lượng lao động. Theo đài CNBC hôm 5/7, báo cáo mới nhất của Viện Kỹ sư Cơ khí (IMechE) tại Anh chỉ ra rằng cảm giác thoải mái đối với nhiệt độ tại nơi làm việc đóng vai trò rất quan trọng.
Nếu không có điều này, tinh thần, năng suất, sức khỏe và an toàn của người lao động có thể sụt giảm. Ông Tim Fox, tác giả chính của báo cáo, cảnh báo thiệt hại cuối cùng là mất năng suất kinh tế, từ đó tác động đến kinh tế mỗi nước và toàn cầu.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hồi năm 2019 dự báo thiệt hại kinh tế do căng thẳng nhiệt độ cao tại nơi làm việc sẽ tăng lên 2.400 tỉ USD vào năm 2030.
Đối mặt thực trạng nói trên, IMechE cho rằng một phần giải pháp sẽ liên quan đến việc thay đổi thiết kế của các tòa nhà, cơ sở hạ tầng…, bao gồm cả những công trình đã và chưa được xây. Ông Fox nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường làm việc an toàn và thoải mái trong điều kiện thời tiết ngày càng nóng.
Chuyên gia này cũng kêu gọi cách tiếp cận hoàn toàn mới để làm mát không khí mà không phụ thuộc vào hệ thống điều hòa không khí, vốn tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong khi đó, một số nước đã lên kế hoạch cấm làm việc trong điều kiện thời tiết quá nóng. Chẳng hạn Bộ trưởng Lao động và Kinh tế Xã hội Tây Ban Nha Yolanda Díaz cho biết sẽ cấm làm một số công việc nhất định vào ban ngày trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các nhà khoa học nhận thấy rõ ràng rằng những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu mới là một hồi chuông cảnh tỉnh khác, ông Otto nói với CNN. “Kỷ lục này cho thấy rằng chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, không phải trong nhiều thập kỷ nữa mà là ngay bây giờ. Kỷ lục này chỉ là một con số, nhưng đối với nhiều người và hệ sinh thái, đó là sự mất mát về sinh mạng và sinh kế”.
Bảo Trâm