Sạt lở đồi chôn vùi nhà cửa của người dân
Hơn 1.500 m2 đất đá đồi Thượng Đức đổ xuống, vùi lấp 5 ngôi nhà ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khiến người dân không còn chỗ ở.
Sáu ngày qua, bà Đỗ Thị Thanh Hóa di dời đến nhà người thân, vì ngôi nhà ở thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, bị vùi lấp hoàn toàn hôm 11/10. Ban đêm vợ chồng về đây tá túc, ban ngày trở về nhìn nhà mình bị đất đá “chôn sống” mà không thể cứu vãn.
Nhà bà Hóa nằm dưới chân đồi Thượng Đức – khu dân cư cao nhất xã Đại Lãnh nên không bị ngập lũ. Hàng chục năm qua, bà chứng kiến hàng nghìn nhà dân trong xã mỗi lúc lũ về phải sơ tán, riêng gia đình bà ở yên tại chỗ. Các mùa lũ trước, nhà của bà trở thành địa chỉ cho nhiều đến ở khi bị ngập sâu.
Ngày 10/10 mưa lớn, nước trên núi đổ về đục ngầu, đất đá sạt lở trôi xuống. Bà nghĩ chắc không có chuyện gì nên không di dời tài sản. Sáng hôm sau, mưa lớn tiếp tục, đất đá sạt nhiều hơn. Một người dân ở gần nhà Hóa lên đồi xem xét, phát hiện ngọn đồi có nguy cơ sạt nên thông báo cho các hộ dân sơ tán.
9h ngày 11/10, bà Hóa nhờ được năm người khiêng chiếc tủ đựng áo quần, khi vừa đến nhà thì nghe tiếng ầm rất lớn. Trong tích tắc, đất đá tuôn xuống như thác đổ. Hàng trăm mét khối đất đá chảy xuống khi gặp tường nhà dừng lại. Tại những chỗ có cửa, đất đá xé toang làm nhiều mảng tường đổ. “Khoảng 15 phút, nhà tôi cao gần 4 m bị vùi lấp chỉ còn mái lộ thiên, chôn vùi tất cả tài sản. May mắn mọi người đã chạy kịp”, bà kể.
Ngoài nhà bà Hóa, trận lở đồi gây thiệt hại bốn ngôi nhà khác ở thôn Tân Hà. Trong đó hộ Lê Văn Cảm bị nặng nhất. Sau khi phát hiện đồi có nguy cơ sạt, ông đã giục vợ đưa con gái vừa mới sinh con về nhà bố mẹ chồng ở. Còn ông và hàng xóm chưa kịp đưa tài sản ra ngoài đã bị đất đá dội xuống gây sập tường nhà.
“Sạt lở đồi xảy ra ban ngày và tốc độ chậm, mỗi lần một ít nên mọi người chạy thoát được. Nếu xảy ra ban đêm thì năm hộ dân, trong đó một hộ không có người ở nhà, bốn hộ còn lại gần 10 người bị chôn sống”, ông Cảm nói.
Ông Cảm cùng em trai bị thiệt hại nhà cửa, không còn chỗ ở được chính quyền bố trí sinh sống tại nhà trưng bày truyền thống Khu tưởng niệm chiến thắng Thượng Đức. “Tài sản mất hết, nhưng may mắn giữ được mạng sống”, ông nói và cho hay những ngày tiếp theo chưa biết sống ra sao.
Theo đánh giá của UBND huyện Đại Lộc, năm ngôi nhà bị 1.500 m3 đất sạt lở vùi lấp, không thể sử dụng. Tất cả hộ dân làm nông, nhà là tài sản quý giá nhất nên nay trắng tay, không giấy tờ, không quần áo, không phương tiện đi lại…
Bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch xã Đại Lãnh, cho biết chính quyền xã khảo sát một số nơi để bố trí tái định cư, nhưng người dân mong muốn được thu dọn đất đá và mở rộng mặt bằng tiếp tục ở.
Mỗi hộ dân xây mới nhà cần vài trăm triệu đồng, trong khi đó quy định nhà nước mỗi hộ gặp thiên tai, làm nhà tại chỗ được hỗ trợ 15 triệu. Nguồn hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là 40 triệu đồng. Không đủ tiền xây nhà mới cho dân, bà Phương cho biết chính quyền đang kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ.
Trong đợt mưa lũ từ ngày 8 đến 13/10, xã Đại Lãnh có 1.600 ngôi nhà bị ngập 1-3 m. Đợt mưa lũ còn làm 3 người bị thương, 8,5 ha ngô bị ngập nước.
Đắc Thành/ VNE