+
Aa
-
like
comment

Sát hạch cấp bằng lái xe: Vẫn còn ‘dễ dãi’ đầu ra

09/09/2020 09:40

‘Ai’ cấp bằng rồi cũng phải vì mục tiêu an toàn giao thông trên hết. Làm thế nào dẹp được nạn ‘cò chạy bằng’ và các kiểu dễ dãi, tư lợi trong việc cấp giấy phép lái xe?

Sát hạch cấp bằng lái xe: Vẫn còn dễ dãi đầu ra - Ảnh 1.
Đội CSGT Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08), Công an TP.HCM đo nồng độ cồn người tham gia giao thông trên xa lộ Hà Nội (Q. Thủ Đức, TP.HCM) tối 4-1 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

25 năm trước – năm 1995 – việc thi sát hạch cấp bằng lái xe từ ngành công an chuyển sang ngành giao thông vận tải. Từ đó đến nay đã có một bước chuyển đổi rất lớn từ thi thủ công sang thi bằng công nghệ (với bằng lái ôtô).

Học viên thi lý thuyết trên máy vi tính và thi thực hành trên sa hình, thi đường trường đều được chấm điểm tự động, giảm sự can thiệp chủ quan của con người. Sự thay đổi đó đã làm giảm bớt những nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi giấy phép lái xe (GPLX).

Nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị hiện đại hình thành các trung tâm sát hạch lái xe theo công nghệ mới ở 63 tỉnh thành.

Vấn đề hiện nay là việc kiểm soát “đầu ra” ở các trung tâm sát hạch như thế nào để đảm bảo chất lượng.

Chúng ta có quá nhiều vụ tai nạn giao thông do người có bằng lái nhưng chưa thành thạo kỹ năng lái xe, không ít người chưa rành luật vẫn “qua cầu” với điểm số cao trong bài thi lý thuyết và sau đó thiếu nghiêm túc chấp hành luật giao thông khi lái xe ra đường.

Việc cấp GPLX ở nhiều nước chủ yếu kiểm soát chặt “đầu ra”. Theo đó, người học có thể chọn thầy dạy lái xe thực hành và học lý thuyết từ xa, học trên mạng và học trực tuyến từ các cơ sở đào tạo lái xe. Khi người học cảm thấy đã đủ điều kiện thì sẽ đăng ký thi sát hạch lái xe.

Do họ kiểm soát “đầu ra” rất chặt chẽ nên có không ít người phải 5 – 10 lần thi mới đạt yêu cầu, mỗi lần thi lại đóng số tiền không nhỏ. Vì vậy, ai cũng phải nỗ lực học nghiêm túc cả lý thuyết và thực hành.

Kết quả không chỉ là cái giấy phép cho người cầm lái; khi tài xế học lái nghiêm túc sẽ giảm tai nạn, trật tự giao thông được chấn chỉnh phần nhiều từ nhận thức và tay nghề của người cầm lái.

Các nghị định, thông tư mới về xử phạt giao thông đã ngày càng tăng nặng thời gian xử phạt tước GPLX từ 1 tháng đến 24 tháng, cấm thi GPLX 5 năm…

Mấy hôm trước, giới lái xe xôn xao chuyện trừ điểm bằng lái xe. Đây là một giải pháp vì an toàn giao thông nhưng muốn làm hiệu quả việc này, phải có hệ thống dữ liệu về việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đầy đủ, thông suốt.

Được biết, hiện nay bằng lái xe được đưa vào hệ thống kiểm soát của Tổng cục Đường bộ – Bộ Giao thông vận tải và được nối kết với ngành công an. Vì vậy, việc phát hiện bằng giả không còn mất nhiều thời gian so với trước kia. Nhưng thực tế bằng lái xe giả vẫn còn nhiều. Việc xử lý đã đủ nghiêm để trị nạn mua bán bằng giả hay chưa?

Và quan trọng nhất, việc hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu về việc cấp GPLX cần được tính toán làm nhanh để sớm có dữ liệu đầy đủ, hệ thống hoạt động thông suốt và sẵn sàng cho việc tra cứu mọi lúc mọi nơi để phát hiện bằng giả và xử nghiêm nạn bằng thật nhưng “tay lái dỏm”.

Chúng ta đã có những trung tâm sát hạch hiện đại. Nói như bạn đọc Long Nguyen phản hồi trên Tuổi Trẻ Online, việc sát hạch lái xe không quan trọng ngành nào làm, quan trọng nhất là chất lượng và sự công chính liêm minh khi thực hiện.

Ai sát hạch, cấp bằng lái không quan trọng bằng mục tiêu cuối cùng phải là trật tự và an toàn giao thông. Thực tế cho thấy ngành nào cấp bằng rồi vẫn còn có tình trạng không thi cũng có bằng, học qua loa, lái chưa rành cũng có bằng.

Tiêu cực này không phải do quy định ai được cấp bằng mà do việc kiểm soát “đầu ra” trong việc cấp GPLX vẫn chưa chặt chẽ, đây đó vẫn còn “dễ dãi” cấp bằng. Trong đó, chính những học viên cũng nóng lòng tìm mọi cách để có bằng trước khi đủ điều kiện có thể lái xe an toàn ra đường.

Siết chặt quản lý khâu cấp phép

Chất lượng sát hạch và cấp phép lái xe nghiêm hay không sẽ quyết định tay nghề và đạo đức người lái xe. Trước nay việc này vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa được khắc phục. Cần phải quyết liệt xử lý những vấn đề này.

Bộ Công an sẽ phải siết chặt giám sát phần thi kỹ năng, phải có riêng một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý vi phạm giao thông tham gia chấm thi kỹ năng, phê duyệt cấp phép cho tài xế.

Có như vậy mới góp phần nâng cao kỹ năng tài xế, hạn chế vi phạm giao thông, ý thức tham gia giao thông của học viên cũng theo đó thay đổi. Riêng về khâu đào tạo lý thuyết, có thể để các trường dạy lái xe hiện nay thực hiện, Bộ Công an giám sát thông qua ứng dụng công nghệ, hệ thống dữ liệu là được.

PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH – Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

—–

Làm sao chấm dứt chuyện “chạy bằng”?

Người thân của tôi có bằng B2, sau mấy năm phải cấp đổi theo quy định. Chỉ vì một lý do đơn giản là trung tâm dạy lái xe trước kia (trụ sở tại Bình Dương) nay đã giải thể mà phải lòng vòng thủ tục nhiêu khê hơn bình thường. Thời đại 4.0 mà có vẻ như dữ liệu chưa thể thông suốt dễ dàng.

Mỗi lần thay đổi lại thêm những rắc rối có thể phát sinh. Tôi chỉ mong sao việc cấp đổi bằng lái theo quy trình nhanh gọn, chính xác. Thực tế, bao người vẫn phải chi ít tiền nhờ “người có quen biết” chạy việc cho nhanh.

Làm sao để chấm dứt chuyện này, nhất là sắp tới sẽ làm nghiêm việc trừ điểm bằng lái, tước bằng lái. Nếu dữ liệu không đầy đủ, thông suốt kết nối các tỉnh thành cả nước sẽ phát sinh chuyện chạy chọt, gian lận, mất tiền bạc và thời gian vì cái bằng lái.

THANH QUANG/TT

Bài mới
Đọc nhiều