+
Aa
-
like
comment

Sát cánh cùng nhân dân phòng, chống bão lũ

Như Yên - 29/10/2020 11:18

Những ngày qua, tình hình mưa lũ chưa nguôi ngoai kéo theo diễn biến phức tạp của bão số 9 lại càng thấy thấm thía hơn tình cảm đồng bào cả nước đang cùng hướng về miền Trung ruột thịt cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn hết, cần phải ghi nhận sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ bộ đội, công an cũng như cán bộ địa phương nơi đầu chiến tuyến. 

Những người anh hùng thầm lặng trong bão lũ

Có thể nói, chính quyền các địa phương đã có kinh nghiệm trong việc phòng tránh bão lũ nên đã chủ động ứng phó sớm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Khi nhận được thông tin chính xác về hướng đi của bão, có tổng cộng 6 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp với hơn 450.000 người phải sơ tán, chính quyền địa phương đã lập tức thông báo và tiến hành di dời những nhà dân xây dựng không kiên cố và nằm ở khu vực nguy hiểm. Song song đó khẩn trương triển khai ngay các biện pháp chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, các trường học, cơ sở y tế,….và hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Người dân xã đảo được đưa vào đất liền để tránh bão

Ngay từ rất sớm, cán bộ địa phương đã chuẩn bị chỗ ở và những vật dụng cần thiết như chiếu, mền gối và thuốc men để hỗ trợ bà con đến tránh bão. Với tiêu chí “không một ai bị bỏ lại” thì các khu vực đảo, những vùng sâu vùng xa lại càng được chính quyền quan tâm, hỗ trợ đưa đến tận nơi tránh bão. Thậm chí, nhiều nơi còn trang bị thêm máy phát điện để phòng trường hợp cúp điện người dân vẫn có đèn, có quạt sử dụng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy được sự quan tâm của các ban ngành địa phương đối với người dân, tùy theo kinh tế của từng nơi mà cung cấp điều kiện tốt nhất cho bà con.

Cõng người dân đi sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão

Hơn ai hết, chính những người dân miền Trung mới thấm thía được những mất mát khó khăn khi bão về, nhất là người người già yếu và phụ nữ đang mang thai hoặc có con nhỏ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời nơi ăn chỗ ở thì sẽ có biết bao người dân chơi vơi vì mưa bão ở trong căn nhà cấp 4 có thể tốc mái, đổ sập bất cứ lúc nào nhưng bước ra đường, không nơi nương náu sẽ lại càng nguy hiểm hơn.  Có thể bạn không để ý hoặc có thể bạn xem những hành động cõng người dân đi sơ tán trong mưa bão, chằng chống nhà cửa giúp dân hoặc thu dọn tàn cuộc mỗi cơn bão để lại là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Nhưng không thể phủ nhận công lao của cán bộ địa phương trong việc phòng chống bão, lũ.
Khi “mẹ thiên nhiên” đã nổi giận thì không gì có thể ngăn cản được và chắc chắn sẽ có mất mát, tổn thất về tài sản thậm chí là cả tính mạng. Công an, bộ đội và cán bộ địa phương đã làm rất tốt nhiệm vụ hạn chế thấp nhất thiệt hại trước trong và sau mỗi cơn bão. Để tiếp tục chủ động ứng phó với cơn bão số 9, Công an các đơn vị, cán bộ địa phương đảm bảo 100% quân số ứng trực, sẵn sàng phương tiện, lực lượng, đảm bảo thông tin thông suốt để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Công an các xã, phường, trị trấn tiếp tục bám địa bàn cơ sở, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trước, trong và sau bão.

Bão đi qua để lại biết bao tang thương mất mát cho người dân cả nước, nhất là đồng bào miền Trung, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ. Nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về miền Trung cứu trợ lương thực, thực phẩm và tiền mặt để có thể vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Nhưng có mấy ai nghĩ đến công lao cứu hộ của cán bộ và quân nhân địa phương trong suốt thời gian bão lũ diễn ra?

Những “anh hùng bàn phím” giỏi phán xét

Một số người thường đem so sánh việc các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã vào cuộc giúp đỡ bà con miền Trung nhu yếu phẩm và tiền mặt vậy lúc đó chính quyền đang ở đâu? Phải nói rằng, chính quyền địa phương là những người vào cuộc sớm nhất cứu hộ, giúp đỡ nhân dân ngay lúc xảy ra bão lũ. Trong lúc nguy cấp, nước lũ dâng cao, gió bão cuồng phong dữ dội thì việc cán bộ và bộ đội ưu tiên hàng đầu là cứu sống những người dân đang bị cô lập, đang chống chịu với bão lũ và đưa họ đến nơi an toàn. Việc cứu hộ này phải do các cơ quan cơ có chuyên môn và có đủ trang thiết bị bảo hộ thì mới thực hiện được chứ giữa dòng nước chảy xiết, sóng to, gió lớn thì ngoài đội cứu hộ chuyên nghiệp ra có nghệ sĩ, ca sĩ nào dám đương đầu? Nói cho cùng việc cứu trợ bà con miền Trung của các mạnh thường quân thường là sau khi bão lũ kết thúc hoặc giúp đỡ những người dân đã được cơ quan chức năng sơ tán đến khu vực tránh bão. Người đương đầu vào vòng vây nước lũ giữa cuồng phong gió lóc không ai khác vẫn là đội cứu hộ.

Thực sự bạn chỉ ngồi tại nhà và nghe ngóng tin tức qua các trang Mạng xã hội thì làm sao có thể hiểu hết được tình hình lúc ấy mà phán xét? Ngay chính ca sĩ Thủy Tiên cũng từng chia sẻ tại những vùng sâu vùng xa, nước ngập sâu, gió lốc mạnh chính quyền địa phương vẫn đưa thuyền cứu hộ đi khắp nơi để tiếp tế lương thực và di dời bà con đến nơi cao ráo hơn để tránh bão lũ. Tuy nhiên, sức người cũng có hạn nên ngoài sự giúp đỡ của cán bộ địa phương thì cũng cần đến sự chung tay đồng lòng của người dân cả nước, vì giúp đỡ người khác không bao giờ là việc dư thừa cả.

Cán bộ chiến sĩ Công an đưa người dẫn đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ

Nhiều bạn nói rằng, bạn bỏ ra số tiền đóng thuế hàng năm nên cán bộ địa phương phải có trách nhiệm với bạn. Trước tiên, việc bạn cần hiểu chính phải là người đầu tiên có trách nhiệm với sinh mạng của mình, nhưng trong lúc mưa bão di chuyển khó khăn ấy cán bộ, chiến sĩ vẫn liều mạng đến cứu người thì thật đáng trân quý biết bao. Sau khi được cứu hộ bạn đã an toàn nhưng những người cán bộ kia lại phải xông pha vào nguy hiểm thêm nhiều lần để cứu hàng trăm hàng ngàn người khác. Thêm nữa, tiền thuế mà bạn đóng vào hàng năm ngoài việc phòng chống bão lũ ra còn phải lo phòng chống dịch bệnh, xây dựng cầu đường, trường học, phát triển kinh tế,.. vì đất nước mình còn nghèo lắm! Ngoài ra, việc cứu trợ trong lúc mưa bão đã thế thì sau bão vẫn có ngân sách từ nhà nước hỗ trợ người dân tái thiết lại cuộc sống. Bằng chứng là sau đợt bão lũ vừa rồi, chính phủ đã thông qua ngân sách 500 tỷ cho 5 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cán bộ chiến sĩ Công an giúp người dân gia cố lại mái nhà chắc chắn trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền

Đáng buồn hơn khi dạo gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những bài viết chê trách chính quyền địa phương các vùng bão lũ của các đối tượng thù địch. Thậm chí còn có những bài viết so sánh nguyên nhân gây bão lũ của miền Trung với bão lũ của một nước châu Âu để chỉ trích cán bộ lãnh đạo. Tôi thật sự không hiểu mục đích của bài so sánh khập khiễng đấy có ý nghĩa gì? Khi mà bạn đang ngồi tại nhà lập luận về nguyên nhân bão lũ thì ngoài kia các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu để giành lại sự sống cho hàng trăm ngàn người trước nanh vuốt tử thần. Những người đang phán xét dù ở trong nước hay đang ở nước ngoài liệu có đóng góp được phần nào vào quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung hay đã trực tiếp đến tận nơi để quan sát và giúp đỡ người dân hay chưa? Dù mục đích của các tổ chức này là gì đi nữa thì việc lợi dụng tình hình thiên tai, đau thương của đồng bào miền Trung để mưu đồ trục lợi thì cần phải suy xét lại lương tâm mình. Và tôi tin chắc rằng với thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay, người dân cả nước có thể theo dõi và cập nhật thông tin liên tục về tình hình bão lũ miền Trung và nhìn nhận rõ những người cán bộ, công an, bộ đội, những mạnh thường quân đang xông pha đầu chiến tuyến hỗ trợ bà con ngày đêm. Trong lúc này, cả nước cần phải đồng lòng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn đúng với tinh thần tương thân tương ái từ bao đời nay của dân tộc.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều