Sáp nhập 3 văn phòng: Làm sao để không “nhập vào rồi lại tách ra”?
Quá trình thí điểm hợp nhất ba Văn phòng ở một số địa phương đã nảy sinh những bất cập cần được nghiên cứu thấu đáo trước khi triển khai diện rộng.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến năm 2018, Văn phòng HĐND cấp tỉnh có hơn 1500 biên chế, Văn phòng UBND cấp tỉnh có 6.620 biên chế, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có 377 biên chế. Khi thực hiện hợp nhất ba văn phòng sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương. Tương ứng với đó, giảm được 2 cấp trưởng, 3 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó phòng. Ba văn phòng có 189 chánh văn phòng, ít nhất có 378 phó chánh văn phòng. Nếu hợp nhất ba văn phòng này thành văn phòng chung sẽ giảm được 126 chánh văn phòng và ít nhất 126 phó chánh văn phòng.
Hiện nay, có 12 địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 580 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất ba văn phòng này. Việc lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm dựa trên nguyên tắc có tính đại diện cho các vùng, các miền và xét theo đặc điểm của chính quyền địa phương, bao gồm chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo hay đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, ở các địa phương, thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: “Chúng ta nên thiết kế theo hướng phân định tương đối, trong đó có tổ chức một bộ phận giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội, một bộ phận giúp cho HĐND và một bộ phận giúp cho UBND. Tuy nhiên, ba cơ quan này lại có một bộ phận giống nhau đó là phòng quản trị hành chính phục vụ. Về phần tiếp công dân thì nên thiết kế phục vụ chung”.
Còn ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị thì lại cho rằng, chỉ nên hợp nhất Văn phòng Quốc hội và Văn phòng HĐND, giữ nguyên Văn phòng UBND.
“Theo tôi, nếu như gộp Văn phòng Quốc hội và Văn phòng HĐND là phù hợp, đúng với chức năng, nhiệm vụ. Nhưng nhập luôn Văn phòng UBND thì sẽ rất khó khăn, trở ngại. Nhập lại nhằm mục đích tinh giản nhưng khiến bộ máy không rạch ròi trong chức năng tham mưu, như vậy gây khó khăn cho quá trình thực hiện”- ông Dũng đề nghị.
Tại Phiên thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu kiến nghị, quá trình thí điểm hợp nhất ba Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND ở một số địa phương đã nảy sinh những bất cập cần được nghiên cứu thấu đáo trước khi triển khai diện rộng. Theo đó, các đại biểu đề nghị, cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Đoàn đại biểu Quốc hội và vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), đoàn đại biểu Quốc hội là một chủ thể đầy đủ trong hệ thống chính trị do luật định, nhất thiết phải có văn phòng tham mưu giúp việc, phục vụ bình đẳng như các tổ chức khác, còn mô hình tổ chức văn phòng đó như thế nào thì còn chờ tổng kết và kết luận.
Từ hoạt động thực tế, các đại biểu cho rằng, việc lúc tách, lúc nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ rất khó để cán bộ văn phòng toàn tâm, toàn ý trong công việc. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho biết, việc nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND vẫn chưa tổng kết. Vì vậy, cần có tổng kết, đánh giá thực tiễn để quy định cụ thể vào luật này. Nữ đại biểu đoàn Bạc Liên đề nghị, nếu thực sự cần sáp nhập giảm đầu mối thì chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND, còn Văn phòng UBND vẫn giữ nguyên.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể, rõ hơn về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó cần quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh trong thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, đồng thời quy định các chức danh này đứng vị trí nào trong hệ thống chính trị tại địa phương cùng cấp.
Đề cập ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Quốc hội đang trong thời kỳ đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là quá trình Quốc hội pháp điển hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong đó có Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, thông qua lần sửa đổi này sẽ giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Tổ chức Quốc hội.
“Sửa đổi luật lần này không chỉ đơn giản để thực hiện một vài thay đổi theo yêu cầu của Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, mà còn đặt ra vấn đề làm thế nào để nâng hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội. Cho nên một số vấn đề Dự thảo Luật đặt ra chưa đủ sức thuyết phục, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm”- đại biểu Mai Hoa đề nghị.
Thu Huyền/VOV