Sao nỡ “cấm” dân về quê ăn Tết
Việc nhiều địa phương vận động hay ra quy định “làm khó” người dân về quê dịp Tết vô hình trung làm giảm lòng tin của người dân về công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Mấy ngày vừa qua, câu chuyện người dân về quê đón Tết trở nên “nóng”, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần. Những quy định có phần “tréo ngoe” của nhiều địa phương khiến người dân, đặc biệt là những người xa quê không khỏi tâm tư.
Đơn cử, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có thư ngỏ gửi người dân đang làm việc ngoài địa phương tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Còn tại xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), chính quyền ra hẳn văn bản yêu cầu người dân đi làm ăn xa phải về trước ngày 10/1, tức trước Tết Nguyên đán 22 ngày để đảm bảo cách ly y tế nếu muốn về quê ăn Tết. Nhiều địa phương khác cũng có quy định về thời gian cách ly, xét nghiệm đối với công dân đang làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt là khu vực đang có dịch.
Nỗi lo lắng này của chính quyền địa phương là hoàn toàn có thể hiểu được. Trong năm 2021, nhiều đợt dịch bùng phát khắp nơi, các địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16 nâng cao trong thời gian dài, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn ngân sách và “vắt kiệt” sức của lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu.
Thời điểm này, sự xuất hiện và lây lan của biến chủng Omicron khiến nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19, đặt nhiều địa phương trong tình trạng “báo động” bởi ca nhiễm tăng nhanh.
Thế nhưng, với truyền thống của người dân Việt Nam, Tết là dịp để nhà nhà, người người đoàn viên, sum họp. Bởi vậy, nguyện vọng trở về quê vào dịp Tết của người dân là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.
Sau một năm đầy biến động vì dịch giã, người dân càng mong muốn được trở về chốn bình yên, nơi có gia đình, có người thân, bởi “chim có tổ, người có tông”, để được vứt bỏ hết mọi lo toan thường nhật, nỗi lo dịch bệnh, đón một năm mới với bình an và hy vọng.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, trong đó tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là không ngăn sông cấm chợ, không cản trở các hoạt động đi lại của người dân. Nỗ lực bao phủ vaccine phòng dịch Covid-19 của Chính phủ đã đạt được kết quả ấn tượng, đưa Việt Nam đứng vị trí thứ 6 thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân và tiến độ tiêm mũi bổ sung cũng đang được đẩy nhanh tốc độ.
Những điều chỉnh phương án chống dịch theo hướng linh hoạt, an toàn đang phát huy hiệu quả, cả về ứng phó với dịch và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội. Việc nhiều địa phương ban hành ra các “quy định con” làm khó người dân về quê ăn Tết là chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân.
Quy định của nhiều địa phương không phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đã được thu hồi, điều chỉnh nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người dân và vô hình trung khiến niềm tin về kết quả chống dịch bị giảm sút.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long khẳng định địa phương này không hạn chế người dân về quê ăn Tết. Lãnh đạo tỉnh này cũng đưa ra thông điệp rất rõ ràng, không chỉ đối với người đi xa trở về mà đối với mọi người dân trong tỉnh, đó là tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, thực hiện “5K”, hạn chế thăm thú, chúc Tết họ hàng hay tụ tập đông người.
Quê hương – nơi “đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về” và Tết lại càng muốn được trở về. Dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động bình thường nhất cũng phải thay đổi. Bởi vậy, việc đón Tết vui Xuân cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình diễn biến dịch.
An toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân để Tết thực sự là đoàn viên, sum họp, bình an, yên vui đến với mọi người, mọi nhà.
Hoàng Lam