Sáng nay, 4 Bộ trưởng trả lời Quốc hội về vấn đề đại biểu quan tâm
Tại phiên làm việc sáng 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ trưởng Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, sẽ trả lời vấn đề đại biểu nêu chiều hôm qua.
Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các đại biểu lo ngại việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, kinh tế trì trệ do bất động sản và tín dụng khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng chậm trong khi nợ xấu gia tăng. Đến 11/10, tín dụng đạt 6,29% so với 2022, thấp hơn 4,8% so với cùng kỳ 2022. Nợ xấu nội bảng tới cuối tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu dưới 3%.
Chính phủ chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực. Trường hợp tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, khi nguồn cung bất động sản dư thừa, thị trường trầm lắng và niềm tin của người dân vào thị trường này sụt giảm.
Tương tự, ông Trần Chí Cường (Phó trưởng đoàn đại biểu TP Đà Nẵng) cũng lo ngại khi tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ đạt 5,91% so với cuối năm 2022; nhích lên 6,9% vào cuối tháng 9, rồi lại giảm về 6,29% vào 11/10. Dữ liệu này cho thấy kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
Đối với lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương) cho biết cử tri vẫn lo lắng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Bà đề nghị Chính phủ có cơ chế trả lại kinh phí cho người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài dù những loại này có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng vấn đề này đã được đại biểu đưa ra từ các kỳ họp trước song trong báo cáo của Chính phủ còn sơ sài về hướng xử lý. Bên cạnh đó, việc cập nhật danh mục thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam cũng rất chậm so với các nước. Đơn cử, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 đến 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Nữ đại biểu cho rằng như vậy mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế và đề nghị làm rõ trách nhiệm của bảo hiểm y tế trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc.
Đối với lĩnh vực giáo dục, các đại biểu không đồng tình với đề xuất của đoàn giám sát là Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, về cơ sở pháp lý, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn sách giáo khoa không phù hợp với Nghị quyết Quốc hội năm 2020 và Luật Giáo dục năm 2019. Hai văn bản này đã điều chỉnh Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đề nghị này cũng không phù hợp thực tiễn là xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được nhiều kết quả và đang triển khai thuận lợi.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn) cũng cho rằng chưa nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Việc cấp thiết lúc này là để giáo viên và trường học lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với mặt bằng tâm lý học sinh và thực tiễn mỗi địa phương. Cơ quan nhà nước giữ vai trò kiểm tra, đôn đốc, giám sát, không can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng qua giám sát, bà thấy rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước xây dựng chương trình sách giáo khoa. Đại biểu khẳng định Nhà nước tham gia biên soạn sách giáo khoa không có nghĩa là không tin tưởng vào xã hội hóa mà để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết chiều 31/10 đã có 24 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, còn 152 người đăng ký. Các vấn đề đại biểu đã nêu sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ trưởng Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo trả lời, với khoảng 10 phút cho mỗi vấn đề.
Để có nhiều đại biểu phát biểu hơn, ông đề nghị và Quốc hội đã cho phép rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu từ 7 phút xuống 5 phút. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận hội trường về kinh tế xã hội, ngân sách đến hết sáng 2/11.
Đông Duy