Xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” tại xã Đồng Tâm
Ngày 7/9, Toà án nhân dân TP.Hà Nội đưa 29 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP.Hà Nội) ra xét xử. Các bị cáo đã chống đối lực lượng chức năng và manh động khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
7h05: Nhiều lớp an ninh được bố trí xung quanh nơi diễn ra phiên toà để đảm bảo an ninh trật tự.
7h sáng, lực lượng chức năng lập chốt chặn trên các tuyến đường vào Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.
6h sáng 7/9, ghi nhận của PV Dân Việt, xung quanh khu vực xét xử, lực lượng chức năng xuất hiện dày đặc để đảm bảo an ninh cho phiên tòa. Một số đoạn đường gần khu vực Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã được hạn chế di chuyển.
Người ra, vào phiên tòa được lực lượng công an kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt.
Ngày 7/9, Toà án nhân dân TP.Hà Nội đưa 29 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP.Hà Nội) ra xét xử. Trong tổng số 29 bị cáo, có 25 người bị truy tố về tội “Giết người” gồm:
Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
4 bị cáo còn lại bị Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội truy tố tội “Chống người thi hành công vụ” là Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng.
Tất cả bị cáo đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít (xã Đồng Tâm).
Trong vụ án này, ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu trong vụ án nhưng do đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh là con trai ông Kình.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.Hà Nội làm chủ toạ.
Trong vụ án này, có hơn 30 luật sư tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đương sự.
Về diễn biến vụ việc, cáo trạng thể hiện, dù biết rõ đất cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm là đất Quốc phòng nhưng các bị cáo trong vụ vẫn thực hiện lấn chiếm, đòi sử dụng.
Thanh tra TP.Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, nhà chức trách cũng đối thoại với người dân xã Đồng Tâm, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (84 tuổi, thôn Hoành, đã chết) đã cùng Lê Đình Công (56 tuổi, con trai), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi, thôn Hoành) và một số đối tượng lập “Tổ Đồng thuận” nhằm chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.
Nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất…
Các đối tượng trong nhóm do Lê Đình Kình, Lê Đình Công và một số người khác cầm đầu đã chuẩn bị rất nhiều vũ khí, vật liệu nổ để chống trả lực lượng chức năng khi đang thi hành nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm.
Từ năm 2017 đến 2020, ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều đối tượng khác tiến hành gây rối trật tự, thậm chí bắt giữ hơn 34 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, Công an huyện Mỹ Đức và 4 cán bộ khác không liên quan.
Đáng chú ý, trong vụ chống đối lực lượng chức năng nghiêm trọng xảy ra ngày 9/1/2020, ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu của vụ án.
Nhóm người này tích cực chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, pháo… sẵn sàng chống trả cảnh sát nếu bị cưỡng chế.
Ông Lê Đình Kình cùng các bị cáo trong vụ án còn tổ chức quay video, livestream trên mạng xã hội, tuyên bố nếu công an đưa lực lượng về Đồng Tâm sẽ bị tiêu diệt từ 300 người đến 500 người.
Vào khoảng 3h ngày 9/1/2020, khi biết lực lượng công an di chuyển đến khu vực Ba Thá, Công cùng Hiểu, Tuyển sử dụng mạng facebook tổ chức phát trực tiếp, thông báo lực lượng công an đang chuẩn bị về đến Đồng Tâm.
Đối tượng kêu gọi các đối tượng khác cùng chống lại lực lượng chức năng. Sau đó con trai ông Lê Đình Kình kêu gọi các đối tượng nêu trên lên mái nhà ông Kình để chống đối lực lượng.
Rạng sáng ngày 9/1, khi thấy lực lượng công an vừa đi đến cổng thôn Hoành để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, Bùi Văn Niên, Lê Đình Quân tiếp tục đánh kẻng, báo động.
Cáo trạng thể hiện, khi thấy lực lượng chức năng, một số bị cáo đứng trên trần nhà bắn pháo báo hiệu và bắn pháo về phía cổng làng để tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Tổ công tác đã sử dụng loa phát thanh kêu gọi các đối tượng chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đầu thú, tuy nhiên các đối tượng không thực hiện.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng và đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng, tài sản hợp pháp của người dân, các tổ công tác đã tiến hành áp sát.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 3 cảnh sát là đồng chí Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972, Phó Trung đoàn trưởng E22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động), đồng chí Phạm Công Huy (SN 1992, cán bộ Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực số 3, Phòng CS PCCC&CNCH CA TP.Hà Nội), đồng chí Dương Đức Hoàng Quân (SN 1993, cán bộ C2D1E22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động) đã bị các đối tượng hung hãn thiêu bằng xăng.
Việc này khiến 3 cảnh sát tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.
Một tổ công tác khác cũng tiếp cận nhà đối tượng Lê Đình Kình và bị chống trả quyết liệt. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội nêu rõ, khi cảnh sát phá khóa cửa ngách nhà Lê Đình Kình, thấy đối tượng cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối.
Cảnh sát đã nổ súng 2 lần khiến đối tượng Kình bị thương và tử vong sau đó. Cáo trạng cũng thể hiện, việc lực lượng chức năng nổ súng trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.
Hoài Nam (t.h)