+
Aa
-
like
comment

Sáng kiến ‘lu chống ngập’ của nữ đại biểu HĐND bị hiểu sai nên rất buồn

13/07/2019 14:29

Đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân cho rằng sáng kiến “dùng lu chống ngập” của mình bị một số người hiểu sai và chế giễu khiến bà rất buồn.

Sáng nay, bên lề ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp HĐND TP.HCM, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết hôm qua bà có đề xuất kiến nghị UBND TP về giải pháp chống ngập bằng lu nước.

“Giải pháp dùng lu chống ngập của tôi đưa ra không sai nhưng cách nói quá dân dã đã làm một số người hiểu sai và chế giễu. Tôi cảm thấy rất buồn” bà Hồng Xuân chia sẻ.

Nữ đại biểu HĐND cho biết, bà sinh ra và lớn lên từ nông thôn và không lấy mác PGS.TS để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình.

Đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân.
Đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân.

Bà cho biết là người dân sống trong vùng triều cường, ngập nước nên bà chia sẻ với tư cách đại biểu HĐND, là người dân TP, gần gũi và thực tế. Do vậy, bà không nghĩ rằng phát biểu của mình có thể tạo ra sự “nổi tiếng” hay “tai tiếng” như vậy.

Nói thêm về sáng kiến dùng lu chống ngập gây ‘bão’ dư luận, bà Hồng Xuân cho biết, sáng kiến trên không phải do bà tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua.

JICA cho rằng, nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật mà nhiều nước khác cũng dùng. Đây là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Hồng Xuân cho biết, theo góc nhìn của bà về nhân học nên bà dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa. Nếu bà dùng cụm từ ‘dụng cụ chứa nước’ thay vì nói “cái lu” thì chắc không bị ném đá như vậy.

“Mình có đi một số nước và thấy như vậy, chứ mình không chủ quan. Nếu giải pháp đó áp dụng, sẽ không thay thế các giải pháp khác. Như mình từng chia sẻ, bên cạnh giải pháp công trình, phi công trình, thì cần thêm giải pháp thân thiện môi trường”, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ thêm.

 

Hôm qua, ngày thứ 2 của kỳ họp HĐND có báo cáo kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn TP.

Ngay sau đó, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân có đề xuất về sáng kiến trang bị lu nước để chống ngập.

Theo chia sẻ của bà Xuân, đứng trên góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra sáng kiến chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp hiện nay.

“Trước mỗi ngôi nhà ở nông thôn, chúng ta thấy có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Theo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực, họ cũng sử dụng cái lu này để chống ngập nước.

Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này tại TP bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình, phi công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà, một cộng đồng dân cư một lu nước to để hứng nước mưa”đại biểu Phan Thị Hồng Xuân ‘hiến kế’.

Bà Xuân cũng cho rằng, đây là một sáng kiến, một giải pháp rất dễ và mọi người dân đều tham gia để cùng thành phố chung tay chống ngập do mưa.

Sáng nay, trao đổi với PV bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, hôm qua đại biểu Phan Thị Hồng Xuân có đề xuất về sáng kiến trang bị lu nước để chống ngập gây phản ứng trái chiều.

“Ý thì tốt nhưng chị chuyển dịch ý chưa tới. Ý của chị Phan Thị Hồng Xuân là mường tượng cái lu được sử dụng ở dưới quê để thay bằng những hồ điều tiết ở TP. Tuy nhiên, có thể do thời gian ngắn nên nói không hết ý” ông Võ Văn Hoan nhận xét.

Theo ông Hoan, sáng kiến dùng lu không thể là giải pháp chống ngập ở TP. Đồng thời ông cho rằng xây dựng những hồ điều tiết lớn ở những công viên, khu đô thị mới thì hợp lý hơn vì có thể giúp tạo cảnh quan, làm mát, chống ngập.

Theo tìm hiểu của PV, trong những năm qua, TP.HCM đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng chống ngập nước. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như kỳ vọng, bởi trên thực tế nhiều khu vực vẫn ngập nặng vào mùa mưa. Cùng với việc thi công các công trình thoát nước, cống ngăn triều… (giải pháp công trình), TP.HCM cũng đẩy mạnh các giải pháp phi công trình, như kêu gọi sự chung tay góp sức của người dân tham gia, thông qua việc kêu gọi không xả rác xuống kênh rạch, cống thoát nước, cũng như kêu gọi ý tưởng góp ý vào giải pháp chống ngập nước…

Hồng Anh (Tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều