+
Aa
-
like
comment

Sáng 4/1, hơn 600.000 học sinh TP.HCM đến trường

04/01/2022 08:37

Cùng lớp 9 và 12, thêm bốn khối đến trường trực tiếp từ sáng nay, trước mắt được củng cố kiến thức cho đợt kiểm tra kỳ I.

6h30 ngày 4/1, cổng trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đông hơn mọi ngày, bởi có thêm hơn 300 em khối 10 trở lại. Đây là học sinh của 7 trong tổng số 14 lớp 10 được xếp lịch buổi sáng cùng khối 12 – đã học trực tiếp ba tuần. Học sinh 7 lớp 10 còn lại cùng toàn bộ khối 11 học vào buổi chiều.

Tính chung cả ba khối, trường đón hơn 1.500 học sinh. Trong đó, học sinh khối 10 và 11 được học trực tiếp sau 8 tháng liên tục không đến trường.

Học sinh trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng

Nguyễn Hồng Diễm Trâm chia sẻ cảm giác lạ lẫm khi bước vào trường bởi đây là lần đầu em đi học sau khi trúng tuyển vào lớp 10. Trâm vui mừng gặp bạn bè, thầy cô sau nhiều tháng chỉ biết nhau online. “Tuần tới, em sẽ bước vào đợt kiểm tra. Em hơi lo, nhưng thầy cô nói đề sẽ nhẹ nhàng nên em phần nào thoải mái hơn”, Trâm chia sẻ.

Nguyễn Thiện Thái cùng tâm trạng với Trâm khi lần đầu được gặp bạn. Thái cho biết, học online kéo dài rất nặng nề, hiệu quả không cao. Nhận tin được đi học từ 4/1, Thái háo hức nhiều ngày liền. “Được trở lại trường để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I, em hy vọng sẽ đạt kết quả tốt”, Thái nói.

Hiệu trưởng Lê Hữu Hân cho biết, trường không chia lớp mà giữ nguyên sĩ số trung bình 45 em một lớp. Công tác phòng, chống dịch, phương án xử lý khi có F0 sẽ tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của ngành y tế. “Hôm qua, giáo viên chủ nhiệm khối 10 và 11 đã họp trực tuyến, phổ biến những lưu ý về phương án chống dịch và thời khoá biểu cho học sinh”, thầy Hân cho biết.

Cùng quận Bình Thạnh, THCS Hà Huy Tập đón hơn 1.000 học sinh khối 7, 8 trở lại với tỷ lệ phụ huynh đồng thuận lần lượt 75% và 87,5%. Ba tuần trước đó, trường tách đôi 14 lớp 9 dạy trực tiếp, nay các lớp được nhập lại. Khối 8 và 9 sẽ học buổi sáng, khối 7 học buổi chiều.

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập, tự tin nhà trường có nhiều kinh nghiệm tổ chức học trực tiếp sau ba tuần đón học sinh lớp 9. Trường tăng cường giáo viên giám sát học sinh trong giờ vào lớp, ra chơi và tan học ở khuôn viên, cổng ra vào. Ban giám hiệu và nhân viên văn phòng trực ở các cầu thang, khu vệ sinh để điều tiết học sinh, tránh tập trung đông người.

Trường sử dụng 6 cầu thang với sơ đồ di chuyển riêng cho từng lớp. Học sinh khối 7 và 8 được hướng dẫn đi một chiều theo quy định.

“Khi học sinh trở lại với số lượng lớn, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Việc phụ huynh cung cấp ngay các thông tin về tình hình sức khoẻ bất thường của các em hoặc người thân trong gia đình sẽ giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh”, cô Trâm cho biết.

Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh làm bài tập trong giờ tiếng Anh, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh làm bài tập trong giờ tiếng Anh, sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng

Phương án chia ca các khối lớp được nhiều trường sử dụng nhằm đảm bảo quy định “không quá 50% tổng số học sinh cùng thời điểm”.

THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho khối 12 học trực tiếp cả ngày ở trường; khối 10 học buổi sáng, khối 11 học chiều. Những em không thể đến trường, giáo viên sẽ livestream tiết học để các em theo dõi. “Từ nay đến 15/1, nhà trường tập trung ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức và hoàn tất chương trình học kỳ 1”, Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo cho biết.

Tại THPT Trường Chinh (quận 12), nhà trường bố trí hơn 700 học sinh khối 12 học trực tiếp buổi sáng, buổi chiều dành cho 1.400 em khối 10 và 11. Trong đó, khối 12 học 5 buổi một tuần, khối 10 và 11 sẽ học 3 buổi. Những buổi còn lại tiếp tục học online để đảm bảo thời lượng chương trình.

Còn THCS Tân Bình (quận Tân Bình) bố trí học lệch ca giữa các khối lớp. Trong một buổi học, khối 8 vào lớp từ tiết một, khối 7 sẽ vào lớp trễ hơn một tiết. Như vậy, giờ ra về của các khối sẽ lệch nhau 45 phút, tránh tập trung đông người trong và ngoài trường.

Học sinh học trực tiếp đông hơn, nhà trường càng siết chặt việc rà soát để phát hiện sớm F0.

THPT Nguyễn Du (quận 10) cho giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện ứng dụng “lớp học xanh”. Theo đó, vào 20h mỗi ngày, phụ huynh sẽ cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm tình hình sức khoẻ của thành viên gia đình. Cuối buổi chiều chủ nhật trong tuần, phụ huynh cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh. “Việc này giúp trường nắm bắt được các trường hợp F0, F1, đảm bảo học sinh đến trường đều khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan”, lãnh đạo trường giải thích.

Một số trường dự kiến mở hoạt động canteen, bán thức ăn, đồ dùng cho học sinh. Nhân viên canteen phải cam kết đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; bố trí bàn ghế đảm bảo giãn cách. Những trường có lợi thế sân chơi rộng, như THPT Trường Chinh (quận 12) dự kiến cho học sinh khối 12 học thể dục trực tiếp nhằm giúp các em được vận động, tạo tinh thần thoải mái.

Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa học thể dục sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh lớp 10 trường THPT Thanh Đa học thể dục sáng 4/1. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết, sau ba tuần triển dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, chưa xảy ra ca lây nhiễm chéo trong trường dù đã xuất hiện nhiều F0.

Tuần nay, khi 6 khối đồng loạt học trực tiếp, mật độ học sinh trong trường tăng cao, các trường phải siết chặt biện pháp phòng dịch. Lãnh đạo Sở yêu cầu các trường làm tốt việc khoanh vùng khi phát hiện ca nghi nhiễm; chuẩn bị các phương án trước sự xuất hiện của biến thể mới.

Đình Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều