+
Aa
-
like
comment

Sản xuất mỹ phẩm giả: Khi lòng tham đội lốt ngành làm đẹp

Thảo Nguyên - 03/07/2025 10:32

Không còn là hàng nhái trôi nổi ở chợ đêm. Hàng giả hôm nay xuất hiện dưới vỏ bọc một công ty có tên, có nhà xưởng, có thương hiệu và thậm chí… có chỉ số SPF giả khoa học. Vụ án Đường Văn Thiết là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về sự biến tướng của gian lận thương mại trong hình hài doanh nghiệp hiện đại.

Đường Văn Thiết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả – Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Từ năm 2019, Đường Văn Thiết  44 tuổi ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ – thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam, công bố hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm. Doanh nghiệp có xưởng, có bao bì thiết kế, có nhãn hiệu, thậm chí tự công bố khả năng chống tia UVB lên tới 98% (SPF 50+).

Thế nhưng, tất cả chỉ là vỏ bọc cho một chuỗi sản xuất… hàng giả. Ngày 2-7, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt tạm giam Đường Văn Thiết về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là mỹ phẩm.

Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ gần 5.000 sản phẩm kem chống nắng nhãn hiệu Athena, cùng hơn 8.600 sản phẩm khác như kem dưỡng da, sữa rửa mặt, dầu gội đầu… đều đã đóng gói sẵn sàng đưa ra thị trường.

Kết luận giám định từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy: chỉ số chống nắng SPF thực tế chỉ đạt từ 4,2% đến 26,6% – nghĩa là kém hơn từ 3 đến 10 lần so với con số in trên bao bì. Theo Nghị định 98/2020 của Chính phủ, sản phẩm có chỉ số thực nhỏ hơn 70% so với công bố là hàng giả.

Khác với hàng giả kiểu “nhái thương hiệu”, vụ việc lần này cho thấy hàng giả chức năng, đánh vào niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.

Khi một sản phẩm công bố SPF 50+ nhưng chỉ đạt SPF 5, người tiêu dùng không chỉ bị lừa về công dụng mà còn phải đối mặt với nguy cơ tổn thương da nghiêm trọng vì tin rằng mình đã được bảo vệ. Một người dùng sản phẩm này trong nắng gắt sẽ không khác gì ra đường với mặt trần.

Đây là hành vi không còn đơn thuần là gian lận thương mại, mà là xâm phạm quyền an toàn của người tiêu dùng, và có thể dẫn tới hậu quả sức khỏe không thể đảo ngược.

Đáng chú ý, Đường Văn Thiết không hoạt động manh mún, chộp giật. Ông ta xây dựng hẳn một hệ thống sản xuất có tổ chức, với xưởng, nhân công, đóng gói bài bản, phân phối sản phẩm dưới danh nghĩa công ty.

Hình thức này đang trở thành xu hướng đáng lo: tội phạm thương mại không còn nép mình trong bóng tối, mà ngụy trang dưới mô hình công ty hợp pháp, dễ lọt qua vòng kiểm tra định kỳ nếu cơ quan chức năng chỉ dựa vào hồ sơ hành chính.

Vụ việc cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao một xưởng mỹ phẩm hoạt động từ năm 2019, tung ra hàng nghìn sản phẩm mỗi năm, mà mãi đến nay mới bị phát hiện?

Người tiêu dùng không có khả năng tự kiểm định chất lượng từng sản phẩm. Họ đặt niềm tin vào cơ chế cấp phép, công bố tiêu chuẩn, và giám sát thị trường của nhà nước. Khi niềm tin ấy bị phản bội, không chỉ một người dùng chịu hậu quả. Cả thị trường mất uy tín. Cả ngành hàng bị nghi ngờ.

Đây là lúc cần siết lại quy trình kiểm tra, chuyển từ hậu kiểm sang giám sát theo rủi ro, nhất là với các doanh nghiệp mỹ phẩm mới thành lập, chưa có phòng kiểm nghiệm, chưa từng được chứng minh năng lực sản xuất.

Cùng với đó, cơ quan điều tra cần mở rộng vụ án, xem có chuỗi phân phối, tiếp thị nào tiếp tay hay không, và làm rõ đã có bao nhiêu sản phẩm giả tràn ra thị trường suốt 5 năm qua.

Dưới góc độ hình sự, hành vi của Đường Văn Thiết đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là mỹ phẩm, với khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù giam.

Nhưng trừng trị cá nhân không phải là mục tiêu cuối cùng. Quan trọng hơn, vụ án cần trở thành án điểm, làm gương cho những kẻ khác đang lăm le biến doanh nghiệp thành công cụ lừa đảo.

Chúng ta không thể để thị trường mỹ phẩm – vốn đang tăng trưởng mạnh – trở thành bãi thử nghiệm cho những sản phẩm chỉ đẹp ở bao bì, nguy hiểm trong bản chất.

Một doanh nghiệp giả mạo có thể qua mặt chính quyền. Nhưng một hệ thống giám sát tỉnh táo thì không thể bị qua mặt mãi. Đã đến lúc cần hành động nhanh hơn, nghiêm hơn – trước khi niềm tin người tiêu dùng bị xói mòn không thể cứu vãn.

Thảo Nguyên 

Bài mới
Đọc nhiều