+
Aa
-
like
comment

Sẵn sàng “trả giá”, Nga còn được gì khác ngoài an ninh?

Huy Hoàng - 25/09/2022 18:41

Trong thông báo ngày 21/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh động viên cục bộ 300.000 quân dự bị lên đường đến Ukraine. Không chỉ kéo dài thêm cuộc chiến ở Ukraine, Nga còn có động thái làm leo thang căng thẳng với toàn EU khi cho biết sẽ không phản đối về việc trưng cầu ý dân nhằm sáp nhập vào Liên Bang Nga của hai nước Cộng hòa tự xưng ở Donbass. Hai nước đi lớn trong cùng một thời điểm đã khiến nhiều công dân Nga lo sợ tháo chạy khỏi đất nước…

Xe quân sự của lực lượng thân Nga di chuyển gần khu định cư Olenivka, vùng Donetsk, Ukraine hôm 29/7. Ảnh: Reuters.

Theo The Washington Post, dẫn lời từ một chuyên gia cho rằng “quyết định trên là một trong những quyết định chính trị quan trọng nhất và rủi ro nhất mà Tổng thống Vladimir Putin từng đưa ra”. Bởi nếu thành công, nó có thể làm suy yếu Mỹ, Phương Tây, thậm chí là EU, từ đó củng cố cho một thế giới đa cực mà Nga đang hướng tới, hoặc ngược lại, cũng có thể làm tồi tệ hơn tình trạng rối ren ở nước Nga.

Đối với người dân Nga, trước đó, vào tháng 2 và tháng 3, khi những tin đồn về một đợt huy động quân sự lớn trong nước được lan truyền, đã có một cuộc di cư ồ ạt của người Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Armenia. Và nay khi tin đồn đã thật sự diễn ra, thì sau lệnh tổng động viên một phần, tất cả số vé của các chuyến bay thẳng từ Moskva đến một số nơi miễn thị thực cho công dân Nga đã được bán hết trong vòng vài phút. Không chỉ đối mặt với dòng người tháo chạy ra nước ngoài, mà trong nước, những cuộc biểu tình phản đối cũng đang âm ỉ chờ nổ ra. Những điều trên là những khó khăn mà Điện Kermlin phải đối mặt khi họ có những nước đi gây căng thẳng tại Ukraine.

Việc Nga có động thái như trên tất nhiên đã làm châu Âu trở nên hoảng sợ. Ý tưởng về việc một nước Nga mở rộng thêm vùng đệm, nhằm bảo vệ trung tâm Moscow đã dần trở lại và ám ảnh. Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh động viên một phần quân đội, Liên Minh Châu Âu (EU) đã nhất trí thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga tại một cuộc họp khẩn cấp không chính thức vào đêm 21/9. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết, các bộ trưởng của toàn bộ 27 nước thành viên đã nhất trí chuẩn bị gói trừng phạt thứ 8, nhằm vào các cá nhân và các lĩnh vực kinh tế của Nga, dự kiến gói trừng phạt này sẽ được hoàn tất vào tháng 10. Đồng thời bộ trưởng 27 nước EU cũng đồng thuận trong việc cung cấp thêm vũ khí mới cho Ukraine. Có thể thấy, chuyện đã không còn của riêng Ukraine, nước Nga, mà cụ thể ở đây là công dân Nga sẽ càng phải chịu nhiều lệnh cấm vận hơn nữa từ châu Âu.

Tất nhiên, chính trị nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin luôn có sự tính toán rất cẩn thận, bằng chứng cho điều này là kinh tế Nga vẫn sống khỏe sau khi phát động chiến dịch quân sự cũng như nhận một loạt lệnh trừng phạt của Phương Tây. Chính vì vậy, việc điện Kermlin tiếp tục có bước đi mới, chấp nhận trả giá cho những rủi ro trong và ngoài nước như vừa qua, còn là nhằm đạt được mục tiêu lớn hơn ngoài an ninh với Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp tại thành phố Veliky Novgorod, Nga, hôm 21/9.

Hiện nay bản chất cuộc chiến Nga – Ukraine không chỉ còn xoay quanh về mặt quân sự, mà trên mặt trận kinh tế, cuộc chiến này đang ngày một giống với một cuộc xung đột Mỹ Nga hơn. Hãy nhìn vào thị trường dầu tuần qua, sau thông tin động viên quân đội một phần, giá dầu Brent đã có lúc tăng 2,96% lên 93,3 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng tăng 3,07% lên 86,52 USD. Hồi tháng 3, giá dầu thô từng lên đỉnh 8 năm do xung đột tại Ukraine. Chính giá dầu là tác nhân đã gây ra tình trạng lạm phát nhức nhối ở Mỹ và Châu Âu, buộc hai Ngân hàng Trung Ương của hai nơi này phải đánh đổi cả tăng trưởng, nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Ấy vậy mà nay nó lại đứng trước nguy cơ tăng giá một lần nữa, bất chấp trước đó, giá dầu vốn đang chịu sức ép trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Có thể thấy những nước đi mới ở Ukraine của Nga đã duy trì được sức ép với phía Mỹ như thế nào.

Thế nhưng, cũng vừa bước sang rạng sáng 22/9, Fed đã nâng lãi suất lên thêm 0.75%, lập tức đẩy giá dầu quay đầu lao dốc, cụ thể, giá dầu Brent giảm 0,9% xuống 89,83 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,2% xuống 83,95 USD. Giá dầu giảm sẽ bất lợi cho nguồn thu từ xuất khẩu của Nga, đặc biệt khi Nga đang cần thêm tiền để tiếp tục trang trải chi phí cho chiến tranh.

Tuy nhiên, trong một thông báo vào sáng 23/9 của Điện Kermlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã có một cuộc nói chuyện với thái tử Ả Rập Xê Út để thảo luận về sự phối hợp giữa hai nước nhằm đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không loại trừ khả năng, Nga và OPEC+ sẽ bắt tay để cắt giảm nguồn cung, nhằm giữ giá dầu ở mức cao, một mặt có lợi cho xuất khẩu, mặt khác kéo dài thêm tình trạng lạm phát dai dẳng ở một số nước Phương Tây.

Việc giá dầu không giảm như ý muốn, sẽ khiến kinh tế Mỹ, đặc biệt là châu Âu bị bào mòn. Châu Âu, một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ sẽ ngày càng tiến gần hơn đến suy thoái và khủng hoảng. Điều này tuy có bất lợi với Nga do các lệnh trừng phạt khiến điện Kermlin mất đi một thị trường truyền thống là châu Âu. Thế nhưng, việc đồng minh của Mỹ lẫn Mỹ bị suy yếu, sẽ tạo cho Nga một không gian tự do để củng cố thế giới đa cực. Trong đó bao gồm vực dậy nền kinh tế nước Nga bằng cách hợp tác với Châu Á, gắn kết hơn với các nền kinh tế độc lập với Mỹ như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước ASEAN, thậm chí là với các nước Trung Đông đã từng là đồng minh với Mỹ.

Có thể thấy việc điều quân lẫn chấp thuận việc sáp nhập hai vùng ly khai Donbass là một bước đi rủi ro nhưng có tính toán của Nga. Liệu nó có mang lại được bước ngoặt cho họ hay không, hay chỉ tạo thêm áp lực lên kinh tế xã hội nước này, sẽ phải cần thời gian đủ lâu để biết được kết quả.

Huy Hoàng

 

Bài mới
Đọc nhiều