Sẵn sàng kích hoạt phương án cách ly tại nhà
TP.Đà Nẵng đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để kích hoạt phương án cách ly tại nhà, trong trường hợp các khu cách ly dành cho những người tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19 (F1) quá tải.
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khi trả lời PV hôm qua (3.8) về phương án cách ly tại nhà.
Trước đó, tại cuộc họp với Chính phủ về tình hình dịch bệnh chiều 2.8, ông Thơ cho biết TP.Đà Nẵng đang tập trung sử dụng hết công suất các khu cách ly tập trung, gồm các khu ký túc xá, các trường học, cơ sở cộng đồng như nhà văn hóa… để ưu tiên cho các trường hợp thuộc diện F1. Nếu các ca bệnh tăng mạnh, diện F1 tăng theo, TP đã tính đến phương án cách ly tại nhà.
Phương án dự phòng
Ông Thơ thông tin: “Về quy trình, việc cách ly các trường hợp F1 tại nhà phải có ý kiến của Bộ Y tế vì liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu vấn đề này, trong khi đó về phía TP đã chuẩn bị để sẵn sàng mọi thứ”.
GS Nguyễn Thanh Long, quyền Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tại Đà Nẵng hiện vẫn áp dụng cách ly tập trung với những người thuộc diện F1, khi nào không đủ năng lực cách ly tập trung mới áp dụng cách ly F1 tại nhà. Ngoài ra, cả TP.Đà Nẵng đang thực hiện khuyến cáo: người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Hiện tại, người dân đang thực hiện rất tốt điều này. Đây là biện pháp cách ly chống dịch Covid-19 được thực hiện với Đà Nẵng trong thời điểm hiện tại, phù hợp với diễn biến của dịch”.
TP.Đà Nẵng đã cách ly tại nhà đối với hàng ngàn trường hợp F2, còn F1 vẫn được cách ly tập trung tại các cơ sở. Tuy vậy, theo ông Thơ, Đà Nẵng phải tính đến việc khi diện F1 tăng lên khiến các cơ sở cách ly tập trung quá tải vốn còn tiềm ẩn nguy cơ lây chéo, đồng thời tiêu tốn rất lớn nguồn nhân lực y tế.
Khi đó, TP phải có biện pháp tuyên truyền, chuẩn bị tập huấn cho những Tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng để thường xuyên tới nhắc nhở những gia đình, cộng đồng có diện F1 cách ly tại nhà. Sở Y tế sẽ có những tờ rơi hướng dẫn nhằm đảm bảo giám sát tốt các vấn đề liên quan đến cách ly phòng dịch.
“Nếu diện F1 quá lớn và cách ly tại nhà, thì phải có sự chuẩn bị khả năng cung ứng cho họ (khẩu trang, đồ bảo hộ, thuốc khử khuẩn; kể cả các vấn đề về thực phẩm…). Tất cả những việc này, TP đang chuẩn bị để khi đầy các khu cách ly và có sự cho phép của Bộ Y tế thì sẽ thực hiện”, ông Thơ nhấn mạnh và cho biết: Khi thực hiện việc cách ly tại nhà sẽ sử dụng được lực lượng y tế xã, phường. Họ vừa có chuyên môn vừa ở trong cộng đồng sẽ là điều thuận tiện. Thực hiện cách ly tại nhà, TP sẽ có thêm lực lượng y tế từ các khu cách ly tập trung nhằm tăng cường cho công việc chuyên môn tại các bệnh viện dã chiến”.
Kịch bản được chuẩn bị từ lâu
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều qua (3.8), trả lời PV về phương án trên của Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận hiện nay khu cách ly tập trung tương đối đông; một số khu có hiện tượng quá tải nên cũng cần sẵn sàng phương án cách ly tại nhà.
“Kịch bản này chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, kể cả cách ly tại khu dân cư, trường học, nhà máy, rồi những khu tập trung khác. Tất cả những phương án này đã được Bộ Y tế đưa ra cụ thể và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19”, ông Cường nói.
Trong khi đó, chia sẻ thêm trước câu hỏi quan điểm của Bộ Y tế đối với kiến nghị cho rằng Đà Nẵng có thể tham khảo kinh nghiệm phong tỏa toàn TP như Vũ Hán (Trung Quốc) từng áp dụng, ông Cường cho biết bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp tùy tình hình thực tế.
Nói về ý kiến này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ xem xét nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm phong tỏa của Vũ Hán, nhưng phải trên nguyên tắc khoanh vùng vừa đủ để vừa dập dịch, vừa phát triển kinh tế.
“Quan điểm chung của Chính phủ, của Thủ tướng là các vùng có dịch phải được khoanh lại, dập tắt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ khoanh vùng với bán kính vừa đủ để vừa dập dịch mà vẫn đảm bảo thông thương, phát triển kinh tế vì đây là kinh nghiệm các nước đang áp dụng”, ông Dũng nói và cho rằng thời gian qua vẫn có địa phương chưa phát hiện ca nhiễm, hoặc phát hiện ca nhiễm đã rõ nguồn là từ Đà Nẵng về, nhưng đã phản ứng với “trạng thái cứng quá”.
Đầu tháng 8.2020 là thời gian quyết định có bùng phát dịch ở quy mô lớn hay không nên yêu cầu “đây là thời gian vàng đưa ra giải pháp căn cơ dập tắt ổ dịch là tổ hợp các bệnh viện, kiên định triển khai các biện pháp phòng chống dịch”, ông Dũng nói và cho rằng: “Không được cát cứ, hạn chế nào, không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Địa phương có ca nhiễm cộng đồng lớn, nếu nguồn gốc từ Đà Nẵng thì đừng đặt vấn đề đưa ra bán kính quá rộng để giãn cách, phong tỏa”.
Theo TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), cách ly tại nhà là giải pháp phù hợp với diễn biến dịch tại Đà Nẵng. Đà Nẵng không phải là Vũ Hán, vì dịch tại Đà Nẵng đang được kiểm soát và mọi thông tin về diễn biến được minh bạch. Do đó, cách ly tại nhà để ngăn chặn lây nhiễm là phù hợp. Đồng thời, ưu tiên xét nghiệm những người có triệu chứng, người tại nơi có ổ dịch. Còn lại, cần theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ lập tức được xét nghiệm, cách ly điều trị nếu dương tính. Từ đó, có biện pháp ngăn chặn lây lan.
“Tạm thời không đi từ Đà Nẵng, không đến Đà Nẵng nhưng vẫn đi qua Đà Nẵng chứ không cần phải đặt chốt chặn đường. Đó chính là biện pháp kiểm soát dịch, là giải pháp hợp lý tại giai đoạn hiện nay”, TS Thái nhìn nhận.
Phân tích thêm về sự phù hợp khi Đà Nẵng áp dụng cách ly tại nhà, TS Thái cho rằng: “Dịch tại Đà Nẵng đang ở giai đoạn khống chế được. Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt, trong khi các ca mắc hầu hết là những đối tượng chỉ liên quan khu vực bệnh viện. Còn khi chúng ta phát hiện được nhiều người liên quan với người liên quan thì nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều, dịch đã lan rộng trong cộng đồng”.
Cách ly y tế tại nhà thế nào?
Theo “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19”, đối tượng cách ly là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Thời gian cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Người được cách ly tốt nhất là ở phòng riêng; nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 m và xa khu sinh hoạt chung.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng. Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại; có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch; thùng rác có nắp đậy; cần tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hằng ngày.
Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở. Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác…
Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý.
PV/ TNO