Sản phụ ‘liệt nửa người’, Bệnh viện MêKông nhận trách nhiệm vụ gây tê
Thai phụ báo đã 2 lần dị ứng thuốc tê, Bệnh viện phụ sản MêKông hội chẩn đưa ra phương án gây mê, nhưng khi vào phòng mổ, bác sĩ lại gây tê. Sau ca sinh mổ, sản phụ bị ‘liệt nửa người’.
Theo nội dung đơn khiếu nại của anh N.Đ.T.P. (29 tuổi, ngụ TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) gửi đến báo chí, vợ anh là chị N.T.T.Th. (29 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị biến chứng liệt nửa người bất thường sau khi mổ bắt con tại Bệnh viện phụ sản MêKông (Q.Tân Bình, TP.HCM).
Van xin dừng gây tê trong phòng mổ ?
Cụ thể, ngày 2.11.2020, chị Th. đến Bệnh viện phụ sản MêKông nhập viện và có yêu cầu mổ lấy thai do thai lớn, tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập viện, chị được đưa đi nhận phòng. Tại đây, nữ hộ sinh có khám và hỏi tình trạng thì chị Th. thông báo mình đã từng bị dị ứng thuốc tê.
Sau đó, chị Th. được đưa lên phòng tiền phẫu. Tại đây, chị Th. trình bày lại tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê và yêu cầu gây mê. Sau khi ê kip tiến hành hội chẩn tiền phẫu và thông báo sẽ gây mê để mổ lấy thai cho chị Th.
Tuy nhiên, theo anh P., khi vào phòng mổ, bác sĩ thực hiện gây mê L.Q.H đã tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê, bỏ qua tiền sử dị ứng thuốc tê và kết quả hội chẩn tiền phẫu của chị Th mà anh P. và người nhà không hề được thông báo trước “mặc cho vợ tôi van xin trong phòng mổ ”
Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, chị Th. co giật mạnh, nôn mửa liên tục trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật. Sau ca mổ bắt con, chị Th. được đưa ra phòng hồi sức và bị liệt nửa người bên trái, hoàn toàn không cử động được.
Sau đó, các bác sĩ có gọi anh P. đến để thông báo về tình trạng của chị Th. nhưng không đề cập đến vấn đề tự ý gây tê. Bệnh viện phụ sản MêKông đưa ra phương án mời bác sĩ từ Bệnh viện Nhân dân Gia định sang để hội chẩn, xét nghiệm chuyên sâu. Sau khi chị Th. ổn định thì về lại Bệnh viện phụ sản MêKông để chăm sóc hậu sản.
Đến ngày 4.11.2020, chị Th. về lại điều trị tại Bệnh viện phụ sản MêKông. Bệnh viện cử bác sĩ vật lý trị liệu đến để tập luyện phục hồi chức năng cho chị Th. Tuy nhiên, theo anh P. thời gian tập thường xuyên bị ngắt quãng, làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của vợ anh.
Trong 49 ngày nằm tại Bệnh viện phụ sản MêKông, chị Th. được đưa đi siêu âm, chụp X-Quang, MRI, đo điện cơ… các kết quả trả về đều bình thường. Phía gia đình anh P. từng hỏi “có phải là do chị Th. dị ứng thuốc tê hay không?” nhưng các bác sĩ từ chối trả lời.
Căn cứ theo biên bản làm việc giữa 2 bên, kết quả họp hội đồng chuyên môn ngày 24.11.2020 do anh P. cung cấp, phía Bệnh viện phụ sản MêKông xác định phương pháp gây tê tủy sống là chưa phù hợp; chưa tìm được nguyên nhân gây yếu nửa người cho sản phụ và hiện chưa có bằng chứng tác dụng phụ của thuốc tê gây yếu nửa người.
Bệnh viện phụ sản MêKông nhận trách nhiệm
Tại cuộc làm việc với báo chí chiều 20.1, bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 2.11.2020 khi thai 39 tuần tuổi. Khi chị Th. khám tiền mê thì bệnh viện biết việc chị Th. 2 lần dị ứng với thuốc tê. Nhưng trước đó khi thai 30 tuần tuổi, bệnh nhân đã có “dấu hiệu” liệt nửa người thoáng qua (?).
Theo bác sĩ Nguyệt, trong phòng phẫu thuật, bác sĩ H. phân vân vì sản phụ Th. lúc mang thai 30 tuần tuổi có dấu hiệu liệt nửa người thoáng qua, nên không biết là gây tê hay gây mê sẽ tốt hơn.
Bác sĩ H. đã tiến hành test gây tê cho bệnh nhân. Bác sĩ H. muốn chọn phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân nên đã quyết định gây tê tủy sống, nhưng không may bệnh nhân lại gặp biến chứng.
Sau khi xảy ra tai biến, phía bệnh viện đã rút kinh nghiệm và hỗ trợ tích cực cho chị Th. Bệnh viện đã nhờ sự hỗ trợ từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, các kết quả xét nghiệm của chị Th. không ghi nhận tổn thương cơ thể nào. Đến ngày 4.11.2020, chị Th. xuất viện, về lại Bệnh viện phụ sản MêKông. Trong suốt thời gian này, phía Bệnh viện phụ sản MêKông nhờ sự hỗ trợ hội chẩn từ Bệnh viện Nhân dân 115. Ngoài ra, phía bệnh viện còn nhờ Bệnh viện Tâm thần vì bệnh nhân bị mất ngủ, khi ngủ hay bị ảo giác, nghe những tiếng động lạ vọng vào tai.
Sau đó, phía Bệnh viện phụ sản MêKông đã có một buổi trao đổi với gia đình để đưa Th. về nhà chăm sóc tốt hơn, bệnh viện vẫn tiếp tục hỗ trợ tập vật lí trị liệu.
Về việc bệnh nhân nói bệnh viện không trả hồ sơ bệnh án, bác sĩ Nguyệt giải thích, do chị Th. có nhờ bệnh viện làm giấy xác nhận để làm thủ tục hưởng bảo hiểm, nhưng vào ngay đợt Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra, nên phía bệnh viện chậm 1 ngày trong việc làm giấy xác nhận, khiến sản phụ Th. không hài lòng. Ngay hôm sau, phía bệnh viện đã cử nhân viên đem đến tận nhà, nhưng chị Th. không nhận.
Phía bệnh viện cũng giải thích, việc tập vật lý trị liệu bị ngắt quãng là do các bác sĩ điều trị bận đi thi. Bệnh viện phụ sản MêKông khẳng định không bỏ người bệnh, không hề trốn tránh trách nhiệm, mọi sự việc đều báo cáo lên Sở Y tế TP.HCM đầy đủ.
Đến hiện tại, các xét nghiệm của bệnh nhân như MRI mạch máu não, đo điện cơ, MRI đốt sống cổ đều không tìm ra bất thường và không chứng minh được việc liệt nửa người liên quan đến gây tê.
Theo bác sĩ Nguyệt, sự cố đã xảy ra rồi, khắc phục sự cố càng quan trọng hơn. Nếu xét về quy trình, thì bác sĩ H. đã làm không đúng, phía Bệnh viện phụ sản MêKông thừa nhận việc này là sai quy trình. Sau sự việc này, phía bệnh viện rút kinh nghiệm về quy trình phải thống nhất, kiểm soát kĩ về vấn đề gây mê, gây tê.
Bác sĩ H. xin thôi việc
Bác sĩ Nguyệt cũng chia sẻ thêm, bác sĩ H. cũng nhận lỗi của mình, rút kinh nghiệm. Bác sĩ H. với 30 năm làm nghề cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Cả ê kíp trong phòng phẫu thuật biết việc bác sĩ H. chuyển từ gây mê sang gây tê, và ê kíp trực hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ H. vào hôm đó. Hiện, bác sĩ H. rất buồn và bị sốc, thậm chí xin thôi việc. Đồng thời, Bệnh viện phụ sản MêKông cũng cảm ơn gia đình chị Th. trong suốt quá trình điều trị ở đây không gây khó dễ gì cho bệnh viện.
Song Mai/ TNO