+
Aa
-
like
comment

Sân bay Long Thành và chỉ định thầu

15/11/2019 08:28

Chỉ định thầu là một trong những hình thức độc quyền, không có cạnh tranh, tạo cơ chế xin cho, giảm hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình. 

Dự án sân bay Long Thành đang được đề nghị chỉ định thầu, giao dự án cho Công ty Cổ phần Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện các hạng mục chính và Tổng Công ty Quản lý bay thực hiện các hạng mục có liên quan

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói: “Các tổ chức sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao, do đó các nhà đầu tư nước ngoài họ cảm thấy yên tâm cho việc hỗ trợ”.

Tất nhiên, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) không phản đối việc chỉ định thầu nhưng cho rằng, rút ngắn thời gian đầu tư giai đoạn 1 nếu giao cho Công ty Cổ phần Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam là chưa chắc chắn, cũng chưa đảm bảo sẽ giúp dự án có phương án hoàn vốn tốt nhất vì 2/3 nguồn vốn là đi vay.

Trường hợp có rủi ro, Nhà nước phải gánh cho doanh nghiệp. Trong khi các tập đoàn tư nhân có thể tham gia dự án, như trường hợp Sun Group đã đầu tư sân bay quốc tế Vân Đồn về đích so với kế hoạch trước 18 tháng.

Sân bay Long Thành và chỉ định thầu
Sân bay Long Thành đang được đề nghị chỉ định thầu

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5 tỉ đô la (chưa bao gồm công trình của các hãng hàng không, xăng dầu, logistics..). Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cảnh báo là báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chưa đánh giá tác động cụ thể từng loại vốn vay, chưa có khái toán đầy đủ, tổng mức đầu tư như trên là chưa chính xác.

Chỉ định thầu liệu có giúp rút ngắn thời gian đầu tư sân bay Long Thành?

Dự án này thuộc địa bàn 6 xã tại tỉnh Đồng Nai, thu hồi hơn 5.500 ha đất, ảnh hưởng hơn 4.800 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu, cần hơn 23.000 tỉ để giải phóng mặt bằng.

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 12-11, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, địa phương có dự án, đã góp ý rằng, nhiều vấn đề các bộ ngành chưa phối hợp tốt với tỉnh để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dù đã có báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án giải phóng mặt bằng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng hồ sơ, bản vẽ 5 dự án thành phần chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng dấu nên UBND tỉnh Đồng Nai không có cơ sở để phê duyệt và thực hiện.

Đến cuối tháng 10-2019, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nên chưa thực hiện, gây chậm tiến độ thực hiện dự án.

Dự án sân bay Long Thành với thực trạng đã diễn ra cho thấy khâu khó nhất, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ là công tác giải phóng mặt bằng. Nếu công tác này chậm, không thể thi công dự án.

Tiến độ thu hồi đất mới đạt trên 1% thì việc hoàn tất thủ tục, chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án khó hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2020. Chỉ định thầu dự án không giúp rút ngắn tiến độ. Hơn nữa, Công ty Cổ phần Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam chưa từng thực hiện dự án lớn như sân bay Long Thành.

Hầu hết đều thấy chỉ định thầu là một trong những hình thức độc quyền, không có cạnh tranh, còn là cơ chế xin cho, giảm hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình. Chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng như kịp khắc phục thiên tai, động đất.

Với những gì đã xảy ra bởi chỉ định thầu, nhất là những dự án lớn như sân bay Long Thành nên tổ chức đấu thầu theo quy định nhằm tạo sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong thực hiện đầu tư xây dựng. Qua đó, ngăn ngừa lợi ích nhóm, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất trên cơ sở đáp ứng năng lực chuyên môn và mạnh về tài chính, hạn chế lãi vay cho dự án.

Chỉ định thầu khó chọn được nhà đầu tư tốt nhất về năng lực, tiềm lực kinh tế. Nếu chọn phải nhà thầu yếu kém năng lực sẽ gây thất thoát, lãng phí, chậm trễ tiến độ. Chưa kể cái mất lớn hơn là niềm tin trong nền kinh tế thị trường thiếu sự cạnh tranh, “tiếp sức” cho sự lạm dụng chỉ định thầu, những nhà thầu có năng lực mất cơ hội nhận dự án qua đấu thầu.

Cần đơn vị có chức năng và chuyên môn, đại diện cho bên ký hợp đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp giám sát về chi phí, tiến độ, chất lượng, khối lượng, phát sinh trong suốt quá trình thực hiện dự án…

Qua đó, mọi thông tin đều được kiểm soát và xác định chính xác tổng mức đầu tư cùng các khoản chi phí có liên quan mà nhà đầu tư đã thực sự bỏ ra cho dự án. Các công việc này hoàn toàn độc lập nên không ảnh hưởng tiến trình thực hiện, thủ tục liên quan đến dự án mà còn giúp giải quyết kịp thời các trở ngại.

Nên tạo cơ hội cho người dân thực hiện vai trò theo dõi, giám sát, kiểm tra. Người dân là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư, phải có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ. Hơn nữa là xác định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cá nhân được ủy quyền trong công tác chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư. Cần một “nhạc trưởng” quản lý điều hành, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khi xảy ra sự cố hay chậm trễ ở khâu nào, liền có người chịu trách nhiệm và phối hợp giải quyết.

Nên chăng, ở giải đoạn đề xuất dự án trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi, hãy thể hiện thông tin chi tiết (thay vì thông tin cơ bản) về khối lượng công việc, phương án hoàn vốn, chi phí có liên quan…

Mẫu hợp đồng chuẩn là cần thiết, công khai các thông tin liên quan để nhà đầu tư nào cũng có thể tìm hiểu. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư dễ tiếp cận, biết rõ cách thức thanh toán, hoàn vốn và có lãi thì sẽ mạnh dạn tham gia.

Trần Văn Tường, Kỹ sư cầu đường.

Bài mới
Đọc nhiều