Sân bay Long Thành 4,8 tỉ USD có gì?
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD), thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-202. Vậy liệu có đủ vốn cho dự án này?
Trong khi Bộ GTVT trình Thủ tướng, Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, tại Đồng Nai, người dân và chính quyền đang “chạy đua” xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 (với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD), thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Vậy liệu có đủ vốn cho dự án này?
3 phương án đầu tư
Tư vấn đề xuất 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành gồm: Phương án 1 là đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Nhà đầu tư khai thác sân bay đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA.
Phương án 2 là giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp.
Phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.
Về phương án giao ACV trực tiếp đầu tư sân bay Long Thành, tư vấn lập dự án nhận định sẽ không làm tăng nợ công của Nhà nước do không sử dụng vốn ODA.
Tuy nhiên, dự kiến ACV sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với điều kiện vay dự kiến bằng USD trong thời gian 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6%/năm.
Để đảm bảo khả năng trả nợ, yêu cầu tỉ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 33,4% tổng số đầu tư của ACV (4,225 tỉ USD), tương đương 1,411 tỉ USD.
Trao đổi với PV, ông Lại Xuân Thanh – chủ tịch hội đồng quản trị ACV – cho biết về vốn, ACV hết sức tự tin trong việc đảm bảo khả năng cân đối được từ 40-45% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
ACV chỉ vay 60% tổng mức đầu tư, là một trong những lợi thế so với các dự án BOT giao thông hiện nay phải vay 80-90% tổng mức đầu tư.
Trong phương án đầu tư của ACV, Nhà nước không phải bỏ bất kỳ đồng vốn ngân sách nào để xây hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay nên không làm tăng nợ công.
“Về năng lực quản lý dự án, ACV cũng có nhiều kinh nghiệm khi đã thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không và đảm bảo dự án sân bay Long Thành không bị chậm tiến độ do nguồn vốn hay năng lực thực hiện.
Vấn đề chuẩn bị khai thác một trung tâm hàng không mới như Long Thành rất quan trọng, ACV cũng có lợi thế khi đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không, có sẵn năng lực, nhân lực khai thác Long Thành.
Đồng thời có năng lực tài chính để đảm bảo khai thác Long Thành trong những năm đầu khi ACV đưa việc cân đối tài chính trong khai thác Long Thành vào trong tổng thể mạng cảng hàng không của mình” – ông Thanh khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia, có tiến độ yêu cầu hoàn thành rất khẩn trương để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như nghị quyết Quốc hội, Bộ GTVT kiến nghị: Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư.
Đồng Nai “sốt ruột”
Những ngày này, tại khu vực dự án sân bay, các tổ kiểm kê đang miệt mài đo đạc, kiểm đếm… nhưng cả người dân và chính quyền đều nóng lòng trước những vướng mắc.
Anh Trần Kiếm Hoa (ngụ ấp 1, xã Cẩm Đường) cho biết dự kiến gia đình anh sẽ bị thu hồi khoảng 1,1ha đất trồng cây lâu năm, còn khoảng 3.000m2 nằm ngoài khu thu hồi. Đến nay, tổ kiểm kê hiện đã kiểm đếm, đo đạc đến sát nhà anh Hoa.
Qua theo dõi, anh Hoa cho hay việc kiểm kê, đo đạc của các tổ được thực hiện rất sát với thực tế, đúng với hiện trạng.
Tuy nhiên, điều người dân “trăn trở” nhất là giá đất Nhà nước đền bù, hỗ trợ có sự chênh lệch lớn với giá đất thị trường.
“Chúng tôi biết là không thể mong muốn giá đền bù bằng giá thực tế bên ngoài, nhưng nếu được khoảng 50-60% giá thị trường thì sẽ giúp người dân dễ xoay xở hơn sau này” – anh Hoa nói.
Về hệ thống đường gom xung quanh sân bay, hiện lực lượng chức năng đã tiến hành cắm mốc lộ giới 3 tuyến đường nhưng vẫn chưa biết khi nào khởi công xây dựng.
Ngày 29-7, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, lực lượng chức năng đã tiến hành đốn hạ hàng trăm hecta rừng cao su để lấy mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn.
Theo một công nhân, việc đốn hạ cao su gần như đã xong, các đội đang thu dọn nhưng cũng phải khá lâu nữa mới có thể bàn giao mặt bằng.
Khó kiểm đếm, chậm tái định cư
Theo thống kê của trung tâm quỹ đất, hiện diện tích đất vắng chủ trong vùng dự án sân bay Long Thành khá nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm kê, đo đạc đất để áp giá bồi thường.
Cụ thể, trong vùng dự án có nhiều trường hợp đã sang nhượng cho nhau bằng giấy tay, hoặc người ở địa phương khác đến mua đất nên không có địa chỉ để liên lạc. Vì vậy, việc gửi thông báo cho các chủ đất này gặp không ít khó khăn.
Khi đề cập đến vấn đề trên, ông Võ Tấn Đức, chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho hay việc xác định chủ đất cũng đang gây khó khăn. Thời điểm này có 179 hộ liên quan trong khu vực để thực hiện dự án.
Ông Đức nói: “Vắng chủ chúng tôi sẽ thông báo trên phương tiện truyền thông theo đúng quy định. Nếu không rõ chủ đất, chúng tôi kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất… theo diện vắng chủ. Nhưng lúc này chuyện làm nhà tái định cư cho dân vẫn quan trọng hơn” – ông Đức nói.
Theo UBND huyện Long Thành, hai khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và phân khu 3 khu tái định cư Bình Sơn cho dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hoàn tất hồ sơ để triển khai xây dựng nhưng vẫn vướng mắc về mặt pháp lý.
Trong khi việc hoàn thiện 2 khu tái định cư này đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng cho việc di dời người dân. Hơn nữa, người dân trong vùng dự án cũng nôn nóng về chỗ ở mới.
Ông Đức cho biết thêm: “Chúng tôi cố gắng thực hiện việc giải phóng mặt bằng để giao đất làm khu tái định cư nhưng sau đó nghe các thủ tục phê duyệt của trung ương để làm dự án phải theo trình tự, đến tháng 1-2020 mới xong.
Hiện tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan phải giải quyết các thủ tục trên địa bàn, đấu thầu thi công dự án… để giải ngân trong năm nay cho kịp tiến độ. Không chỉ người dân sốt ruột mà chúng tôi cũng rất lo chuyện của dân phản ảnh”.
Ứng dụng công nghệ tại sân bay các nước: Hành khách chỉ cần… chìa mặt mình vào
Công nghệ sinh trắc học, cụ thể là dấu vân tay và nhận diện, đã và đang thay đổi cách thức hoạt động tại nhiều sân bay quốc tế.
Theo trang Blacklane, nhiều nước đã phát hành hộ chiếu sinh trắc học, hay “ePassport” có tích hợp 1 chip điện tử lưu thông tin lịch sử đi lại và hồ sơ sinh trắc học của một người.
Người dùng ePassport sẽ đi qua cửa kiểm soát sinh trắc, còn gọi là “e-Gate” tại các khu kiểm tra hải quan.
Ở đây máy tính sẽ quét gương mặt hành khách, chạy thuật toán xác nhận thông tin về danh tính, nhân thân của một người thay cho một nhân viên hải quan thông thường.
Theo trang Buzzfeed, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 3-2017 đã yêu cầu tới năm 2021 sẽ triển khai công nghệ nhận diện với 100% hành khách quốc tế tại 20 sân bay hàng đầu nước này.
Cuối năm 2018, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta tại thành phố Atlanta (bang Georgia) là sân bay đầu tiên của Mỹ cho phép dùng công nghệ nhận diện để lên máy bay.
Hiện có 96 quốc gia phát hành ePassport. Theo Hãng nghiên cứu FMI tại London, ước tính số ePassport phát hành toàn cầu năm 2019 sẽ tăng 19%.
Một số nước có lựa chọn quốc tịch cấp ePassport. Ví dụ Anh chỉ cấp ePassport cho công dân EU, nay có thêm cho người Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.
Sân bay Heathrow của Anh nhờ triển khai ePassport và có thêm hệ thống e-Gate đã giúp giảm bớt số hàng dài người xếp hàng.
Không chỉ sân bay, nhiều hãng bay cũng áp dụng công nghệ sinh trắc học để tăng tốc thủ tục check-in, kiểm tra hành lý và lên máy bay cho khách.
Hãng British Airways lắp riêng hệ thống nhận diện tại cửa lên máy bay tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York. Theo đó, khách lên máy bay không cần quét thẻ lên máy bay hay hộ chiếu nữa, chỉ cần bước vào và… chìa mặt mình vào đó.
(Theo Tuổi Trẻ)