Sai phạm trong lĩnh vực đất đai có hay không “bóng dáng” lợi ích nhóm và bảo kê?
Nhiều cử tri đặt ra câu hỏi nghi vấn nhưng hoàn toàn logic có phải tại cơ chế kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước không? Hay nguyên nhân chính là do đường dây băng nhóm công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác cùng tạo ra môi trường tù mù lùng bùng để băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng.
Ngày 5-11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, nhiều đại biểu đánh giá, sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng, quản lý tài sản công…
ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị xử nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án ma tồn tại nở rộ kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.
Thảo luận công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật hôm nay, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu việc xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi, đến mức lừa rao bán cả trụ sở cơ quan, trường học.
ĐB cho hay, lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho lừa đảo hoành hành mạnh nhất, hình thành nên các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho kinh tế và trật tự xã hội.
Theo ông, hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Alibaba, theo đó hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen núp bóng DN với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi nhưng đều có thủ đoạn với công thức ban đầu thì nổ, lòe, lừa, giăng bẫy được khách hàng vào mê hồn không dễ nhận biết, lừa lọc không từ một ai để thu tiền.
Tiếp đó, dùng nhiều chiêu trò gian manh, ủy quyền hợp đồng sang nhượng, bán dự án lòng vòng trong đồng bọn và nhiều đối tượng khác.“Nhiều cử tri đặt câu hỏi nghi vấn nhưng hoàn toàn logic có phải tại cơ chế kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước không?
Hay nguyên nhân chính là do đường dây băng nhóm công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác cùng tạo ra môi trường tù mù, lùng bùng để băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng, người bị hại kêu trời nhưng không thấu”, ĐB Vượt nói.
Ông đề nghị Bộ trưởng Công an, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm liên minh ma quỷ, băng nhóm tội phạm có tổ chức mới xuất hiện này. Đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án ma tồn tại nở rộ kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho hay, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao có nhiều dấu hiệu xuất hiện từ ngoài đã thâm nhập vào nước ta.
Ông đề nghị cần chú trọng hơn công tác xuất nhập cảnh, quản lý chặt chẽ từng địa bàn, dân cư. ĐB nêu chính kiến của của mình là không đồng tình với việc bỏ thị thực của người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển, như quy định của dự thảo luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được trình ra Quốc hội.
Theo ông, cho dù có giao cho Chính phủ quy định như thế nào đi nữa thì cũng không ngăn cản được dòng người lợi dụng khoảng trống của pháp luật này để ồ ạt kéo vào Việt Nam và không tránh khỏi những kẻ tiền án, tiền sự, tệ nạn xã hội hoặc thành phần khủng bố trà trộn vào đất nước ta. “Chúng tôi thấy những khu kinh tế ven biển thì nhiều, đất đai rộng, trải dài từ Bắc tới Nam, làm như vậy khác gì mở toang cánh cửa cho kẻ cướp vào nhà sống chung, họ thỏa sức náo loạn và cướp lấy chủ quyền.
Kẽ hở pháp luật vừa rồi về chủ quyền sở hữu đất đai đã để cho người Trung Quốc lợi dụng rồi, bây giờ lại thêm lỗ hổng pháp luật về con người chui qua đó thì không thể chấp nhận được”, ông Kim nói. Cũng vô cùng sốt ruột về tình trạng quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận định, những sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công diễn ra hầu khắp các địa phương ở nhiều cấp, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được phát hiện và chấn chỉnh để đề ra biện pháp ngăn chặn.
Những sai phạm này, theo đại biểu đã gây ra thiệt hại ở mức độ đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều cán bộ đã bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có cả những cán bộ ở cấp cao, những người một thời là những nhân tố ưu tú trong bộ máy.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, đại biểu Sơn nêu thực tế có nhiều công trình, dự án có quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, sau những lần điều chỉnh theo kiểu “đúng quy trình” thì quy mô đã lên đến 6.000-7.000 nhân khẩu.”Đằng sau câu chuyện điều chỉnh “đúng quy trình” đó, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của nhóm lợi ích, có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều và để lại những hậu quả nặng nề”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nhưng điều đáng nói, theo đại biểu là trước những dự án làm biến dạng hình hài đô thị, tăng áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, chính quyền thì luôn khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can. Song các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức.”Xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể”, vị đại biểu Đà Nẵng nêu quan điểm.
Theo đại biểu Sơn thì công trình nhà 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình và “ngờ rằng” tiếp theo sẽ là dự án khu đô thị HH Linh Đàm. Phải chăng phương thức quản lý đô thị hiện tại đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển chung của các đô thị trong giai đoạn mới đến mức chính nó đang tạo ra những hậu quả nặng nề cho đô thị, ông Sơn đặt vấn đề.
Hồng Đinh