“Sai phạm tại SCB không liên quan gì đến kiểm toán nhà nước”
Sáng 5/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Một trong những nội dung được quan tâm, đó là trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.
Kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện bất thường?
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhắc đến vụ việc xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Theo ông Hải, thông tin đại chúng cho thấy, nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB, nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường của ngân hàng này.
Vậy vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với vụ việc tại SCB và tương tự trong thời gian qua là như thế nào?
Trả lời vấn đề trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ án xảy ra tại SCB có 3 nhóm tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và cả 3 hành vi này đều không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước, do không thuộc đối tượng và phạm vi quản lý.
Ông Tuấn cho hay, theo quy định tại luật Kiểm toán độc lập, SCB là công ty đại chúng, thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập. Do đó, trách nhiệm liên quan thuộc về các doanh nghiệp kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của SCB.
Do việc kiểm toán đối với SCB thuộc lĩnh vực kiểm toán độc lập, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Ông Phớc cho biết, dù không thuộc diện quản lý của Kiểm toán Nhà nước, nhưng khi kiểm toán đối với hệ thống ngân hàng nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị và lưu ý một số vấn đề tại SCB.
Từ năm 2012 – 2022, SCB đều thuê công ty kiểm toán nước ngoài để thực hiện kiểm toán độc lập. Trong quá trình thực hiện kiểm toán đã có những thiếu sót, sai phạm và đã bị cơ quan tố tụng điều tra, xử lý.
Nhiều công ty kiểm toán yếu kém, không đạt yêu cầu
Tiếp tục nói về lĩnh vực kiểm toán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, có 2 hệ thống kiểm toán tại Việt Nam, gồm kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập.
Trong đó, kiểm toán nhà nước hoạt động theo nguyên tắc “chỗ nào có tài sản nhà nước, có tiền của Nhà nước thì ở đó có hoạt động kiểm toán”. Thông qua hoạt động kiểm toán, kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị những vấn đề phát sinh.
Hệ thống còn lại là kiểm toán độc lập, hoạt động theo luật Kiểm toán độc lập, tức là cung cấp dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, và các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nếu có nhu cầu, sẽ ký hợp đồng dịch vụ với các đơn vị kiểm toán độc lập nêu trên, tùy vào mục đích có thể là kiểm toán báo cáo tài chính, dự án đầu tư…
Trong một số trường hợp, kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với kiểm toán nhà nước thông qua hợp đồng hoặc trưng dụng để kiểm toán các hoạt động theo yêu cầu của kiểm toán nhà nước.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính không trực tiếp kiểm toán, mà chỉ quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán độc lập.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán độc lập, trong đó 11 doanh nghiệp đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu, 1 doanh nghiệp yếu.
Đồng thời, kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán cho thấy 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu, 20 hồ sơ yếu kém; qua đó đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 người, phê bình các công ty kiểm toán…
Năm 2024, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện kiểm tra đối với 20 – 24 doanh nghiệp, trong đó 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Ông Phớc khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, thông qua việc cấp phép, bồi dưỡng, tập huấn, thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật.
Đông Duy