Sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ: Bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận trách nhiệm
Ngày 8.3, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN (PVN), cùng 9 bị cáo khác bị xét xử về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại điều 224, bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC), bị xét xử về 2 tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại điều 356, bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Đỗ Văn Hồng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc), bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong ngày 8.3, HĐXX đã thẩm vấn nhóm bị cáo bị xét xử về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ký quyết định do sức ép của ông Thăng
Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã phủ nhận các cáo buộc trong cáo trạng của Viện KSND tối cao, cũng như vai trò của mình trong việc chủ trương, chỉ đạo cho PVC và liên danh tham gia vào dự án. Bị cáo này khai với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học nên đã từng tổ chức nhiều cuộc họp với Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) – chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai dự án nhưng không nhớ rõ các nội dung cụ thể. Đối với việc đánh giá và lựa chọn PVC và liên danh làm nhà thầu dự án, là thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư.
Chống lại chủ trương của tập đoàn… thì nghỉ việc
Một bị cáo khác trong vụ án là Lê Thành Thái, cựu Trưởng phòng Kinh doanh PVB, khai trong quá trình xây dựng và thẩm định hồ sơ về gói thầu dự án đã được Tổng giám đốc PVB Vũ Thanh Hà định hướng phải chỉ định thầu cho PVC và liên danh bởi đó là việc “không thể thay đổi được”. Bị cáo này cũng cho biết trong quá trình thực hiện hồ sơ, PVC chỉ đủ năng lực để thực hiện một số công trình phụ trợ, cấp thoát nước nhưng nếu kết hợp với các nhà thầu khác thì có thể thực hiện.
Ngoài ra, theo bị cáo này, một số tiêu chí lựa chọn liên danh PVC thực hiện đã phải hạ thấp so với tiêu chí đặt ra ban đầu, như liên danh nhà thầu phải từng hoàn thành dự án 100 triệu lít/năm, “nhưng vì đã có chỉ đạo từ PVN rồi nên không thể đặt vấn đề liên danh không đủ năng lực vì chưa thực hiện dự án nào 100 triệu lít/năm, như vậy chống lại chủ trương của tập đoàn”. Khi bị HĐXX truy vấn vì sao lại hạ thấp tiêu chí, bị cáo Thái khai: “Nếu quá trình thẩm định mà tôi nêu yêu cầu đó bổ sung vào thì đồng nghĩa tôi nghỉ việc luôn”, đồng thời thừa nhận không đưa tiêu chí đó vào vì đã được chỉ đạo thẩm định để liên danh của PVC đạt yêu cầu.
“Theo quy chế, ban chỉ đạo chỉ đôn đốc về tiến độ, còn quyết định các vấn đề của dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư. Tôi chỉ đôn đốc về tiến độ, các nội dung khác thì theo quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm”, bị cáo Thăng khai.
Đề cập đến một số bút phê của mình, trong đó có nội dung yêu cầu bà Trần Thị Bình, Phó tổng giám đốc PVN, chỉ đạo PVB và PVC: “Nếu PVC không ký hợp đồng trọn gói với giá là 59,177 triệu USD (không phát sinh) thì để PVB đàm phán với nhà thầu khác”, bị cáo Thăng lý giải đã chỉ đạo như vậy với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học chứ không phải Chủ tịch HĐQT PVN.
Trong khi đó, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc PVB, cho biết tại cuộc họp với bị cáo Đinh La Thăng đã báo cáo các vấn đề liên quan đến dự án cũng như năng lực của PVC là không thể thực hiện được dự án. Bị cáo Hà cũng thừa nhận đã ký quyết định chỉ định PVC và liên danh thực hiện dự án, bởi sức ép do ông Thăng chỉ đạo thực hiện dự án trước ngày 20.5.2009.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh thì khai từng không muốn ký hợp đồng xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ và trình bày: các thành viên trong HĐQT của PVC từng nói với 59 triệu USD không làm được dự án, đúng phải hơn 85 triệu USD. “Tôi báo cáo tập đoàn (PVN), nhưng tập đoàn yêu cầu tôi kiểm điểm… Nếu không có chỉ đạo của PVN chúng tôi sẽ không làm dự án đó”, bị cáo Thanh nói. Cũng theo Trịnh Xuân Thanh, thời điểm được chỉ định thầu, PVC chưa đáp ứng một số tiêu chí do chủ đầu tư là PVB đưa ra nhưng cho rằng: “Với toàn bộ tiêu chí đó, ở VN không có đơn vị nào đáp ứng được”.
Về việc liên danh của PVC sau đó dừng thi công năm 2013, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận đây là trách nhiệm của mình hoặc các bị cáo khác thuộc PVC. Bị cáo này nói: “Mọi người ở đây chỉ làm thuê thôi, các đơn vị góp vốn vào PVB là ngân hàng, PVOil… Họ thấy dự án không hiệu quả nên nhân việc chúng tôi đòi tăng tiền, họ dừng lại luôn. Hợp đồng chìa khóa trao tay nên nếu chúng tôi không làm được phải chịu thiệt hại nhưng họ không cho”.
Các nhà thầu đều không đạt ?
Trước đó, trong buổi sáng, HĐXX đã cho cách ly bị cáo Đinh La Thăng và thẩm vấn nhiều người liên quan. Bị cáo Vũ Thanh Hà khai, theo Nghị quyết PVN, PVB được thành lập ra để thực hiện Dự án nhiên liệu sinh học phía bắc – Ethanol Phú Thọ. Dự án có tổng mức đầu tư 1.317 tỉ đồng, trong đó vốn tự có 30%, 70% còn lại là đi vay.
“Ban đầu chúng tôi xây dựng kế hoạch đấu thầu rộng rãi với mong muốn có nhà máy chất lượng tốt, chìa khóa trao tay. PVB đã chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để tư vấn, đã phát hành hồ sơ yêu cầu mời thầu và đã có các nhà thầu tham gia”, bị cáo Hà khai và cho biết khi chấm thầu thì các nhà thầu tham gia đều không đạt đủ tiêu chí theo yêu cầu.
Trong thời gian này, PVC có gửi văn bản đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá nhưng bị cáo đã chỉ đạo từ chối và không xử lý vấn đề này của PVC. Thời gian này, bị cáo nhận được chỉ đạo bằng văn bản của PVN do lãnh đạo PVN, trong đó có bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình… ký. “Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên danh. Bị cáo đã tiếp cận nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC và lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ định thầu cho PVC là trách nhiệm”, bị cáo Vũ Thanh Hà khai.
Thái Sơn