+
Aa
-
like
comment

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam vì độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia

Hồng ĐInh - 26/11/2019 16:53

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 công khai đường lối chính sách quân sự, là tài liệu chính thức sử dụng để phục vụ công tác đối ngoại quốc phòng, giáo dục về quốc phòng, đường lối quân sự của Đảng, chính sách quốc phòng của Nhà nước. Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019.

Công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019

Bộ Quốc phòng đã tiến hành buổi lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 với sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Vũ Chiến Thắng – Cục trưởng Đối ngoại Bộ Quốc phòng.

Một bộ Sách trắng Quốc phòng Việt Nam gồm 3 quyển: Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bên cạnh đó là một quyển sách ảnh Quốc phòng Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất là bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng, tập trung khái quát tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam; Chiến lược bảo vệ tổ quốc; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự Việt Nam; Chính sách quốc phòng Việt Nam…
Phần thứ hai là xây dựng nền quốc phòng toàn dân gồm 4 nội dung là xây dựng tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; và lãnh đạo, quản lý quốc phòng.

Phần thứ 3 nói về truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam; lịch sử hình thành và phát triển, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam; cung cấp những nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam, cơ cấu của Bộ Quốc phòng; tổ chức, phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước; minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là nhất quán, hướng tới nền hòa bình và tự vệ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Ý nghĩa của Sách trắng Quốc phòng nhằm minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới; là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp thanh niên trẻ tiếp cận được với đường lối của Đảng trong xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc.

Trước đó, Việt Nam từng công bố Sách trắng Quốc phòng vào năm 2009. “Sau 10 năm, sự nghiệp xây dựng quân đội, quốc phòng có nhiều bước phát triển mới, bối cảnh chiến lược có thay đổi nên cần có Sách trắng Quốc phòng mới”. – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.

Duy trì nền quốc phòng tự vệ vì lợi ích quốc gia – dân tộc

Có thể nói, từ Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đến nay, nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã có sự phát triển mới, ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc; từng bước thấy rõ hơn vai trò của an ninh, đối ngoại đối với quốc phòng và sự cần thiết phải gắn chặt quốc phòng, an ninh với đối ngoại trong một chiến lược thống nhất.

Kế thừa kế sách “tạo lực, lập thế, tranh thời” của tổ tiên ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; phát huy kết quả đường lối lãnh đạo trong cách mạng giải phóng dân tộc, với tinh thần cách mạng tiến công, để phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và trong nước, từ năm 1991 đến nay, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, trong đó có đổi mới tư duy về việc giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp là kế sách độc đáo của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, nhờ thực hiện tốt việc kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại nên cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn. Ngày nay, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại vẫn là yêu cầu cấp thiết, là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã đề cập đến mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh với việc xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Cương lĩnh cũng chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa; xây dựng và phát huy tiềm năng, lực lượng mọi mặt của đất nước, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… vào củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia; việc củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn dân và của Nhà nước. Do đó, cần phải “phối hợp lực lượng quốc phòng và an ninh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự”. Tuy nhiên, lúc này Đảng ta chưa đặt vấn đề kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của đất nước.
Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc “kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”, trong đó xác định quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.

Đồng thời, chỉ rõ quá trình hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cho nên cần phải chủ động trong việc dự báo, xử lý linh hoạt, kịp thời mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi. Việc xác định quan điểm nêu trên là rất cần thiết để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động với việc chủ động giữ nước trong thời bình.

Từ sau Đại hội XII của Đảng, các quan điểm nêu trên trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã chủ động kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, năm 2018, Bộ Chính trị đã phê duyệt “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, làm cơ sở cho việc hình thành các chiến lược cụ thể, như “Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới”, “Chiến lược Tác chiến trên không gian mạng” và Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018. Điều 3 Luật Quốc phòng năm 2018 đã xác định nguyên tắc của hoạt động quốc phòng là: “Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại”. Việc kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại được xác định là một trong những nội dung quan trọng của nền quốc phòng toàn dân.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Lấy lợi ích chung của quốc gia – dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm mục đích của cách mạng.

Tích cực đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực, tự giác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xử lý hài hòa các mối quan hệ giai cấp và dân tộc, giai cấp, dân tộc và nhân loại, quốc gia và quốc tế, chiến lược và sách lược, lợi ích toàn bộ và bộ phận, lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân cùng tiến bộ, trưởng thành, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung vì lợi ích quốc gia – dân tộc.

Bài mới
Đọc nhiều