+
Aa
-
like
comment

Sách trắng Quốc phòng: Việt Nam ‘hòa bình và tự vệ’

12/12/2019 09:52

Nền quốc phòng Việt Nam là “hòa bình và tự vệ”, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2018.

Trong Lời mở đầu Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch viết, Việt Nam công bố sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là “hòa bình và tự vệ”. Ông khẳng định, cuốn sách nêu rõ những thách thức của quốc phòng Việt Nam và những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng,…; quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước; đồng thời thể hiện sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; là tài liệu quan trọng để nâng cao sự hiểu biết về quốc phòng của đất nước cho công dân Việt Nam…

Tuần Việt Nam xin trích giới thiệu một số nội dung của cuốn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 với mong muốn phổ biến tới quý độc giả tinh thần của Đại tướng và tinh thần của cuốn sách, tít nhỏ do chúng tôi đặt:

Vị thế của Việt Nam

Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế giới, là cầu nối châu Á với Đông Nam Á; nằm trên các tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; là cửa ngõ giao thương với các nền kinh tế của khu vực và thế giới.

Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, uy tín quốc tế được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, có nền kinh tế năng động; kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chính trị xã hội ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện; dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng được tôn trọng; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.

Sách trắng Quốc phòng: Việt Nam ‘hòa bình và tự vệ’
Sách trắng Quốc phòng: Việt Nam ‘hòa bình và tự vệ’

Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; sức mạnh mọi mặt được nâng cao. Quân đội nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; Dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng vững mạnh, rộng khắp, cùng Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi đó là nhân tố quan trọng để t ạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống tiếp tục được củng cố, phát triển và mở rộng1; đã thiết lập quan hệ quốc phòng với nhiều nước và tổ chức quốc tế2.

Việt Nam tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là đối tác có tầm quan trọng chiến lược; cụ thể hóa và đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với các nước.

Việt Nam tích cực tham gia vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và sẽ tiếp tục là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam là thành viên có uy tín, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực, đóng góp có hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hợp tác và tự cường; không ngừng mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Những thành tựu trên đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế1.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, vật liệu nổ, chất độc hóa học nhằm giảm nhẹ nỗi đau cho các nạn nhân chiến tranh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, xử lý có hiệu quả các tình huống an ninh phi truyền thống.

Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng trong giải quyết bất đồng và những tồn tại liên quan đến việc phân định biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trên đất liền với các nước có chung đường biên giới; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

Việt Nam và các nước láng giềng

Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành việc phân định biên giới trên bộ và cắm mốc trên thực địa. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, giao lưu văn hóa xã hội,… ở khu vực biên giới.

Đã ký kết Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Đây là cơ sở để tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường và an ninh trên biển.

Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước.

Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam và Lào đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới và các văn kiện pháp lý liên quan đến xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới; mở rộng hợp tác thương mại, du lịch, thúc đẩy đầu tư, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh của mỗi nước.

Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, Bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực còn tồn đọng trên biên giới hai nước1.

Hai nước cam kết tiếp tục nỗ lực xử lý các vấn đề còn tồn đọng, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền; thực hiện nghiêm túc Hiệp định về vùng nước lịch sử ký năm 1982, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ chủ quyền của mỗi nước.

Việt Nam đã đàm phán xác định ranh giới trên biển với một số nước ASEAN, mở ra khả năng hợp tác phát triển, bảo vệ môi trường và an ninh, an toàn trên biển.

Việt Nam ‘hòa bình và tự vệ’

Những thách thức phía trước

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ tụt hậu, chưa bền vững; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, trình độ khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh kinh tế, thương mại giữa các nước lớn; vai trò của các thể chế đa phương bị suy giảm, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam.

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những vấn đề mới đối với sản xuất, thương mại và an sinh xã hội.  Quốc phòng, an ninh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch câu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng và Quân đội.

Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam.

Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm cho Biển Đông có thời điểm trở thành “điểm nóng”, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột.

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông để tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng chống phá cách mạng Việt Nam. Các hoạt động thu thập bí mật quốc gia, tình báo, gây nhiễu loạn thông tin và tấn công mạng đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang tác động lớn đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống như: khủng bố, buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, di cư bất hợp pháp, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai,… cũng là những thách thức thường xuyên đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Tình trạng biến đổi dòng chảy ở các con sông xuyên biên giới do tác động của con người gây bất lợi cho Việt Nam, tác động đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh môi trường và đời sống của hàng triệu người dân ở nhiều địa phương.

Việt Nam vẫn đang phải chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh trước đây. Còn nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh trong chiến tranh vẫn chưa xác định được thông tin. Chất độc da cam/điôxin đã để lại di chứng cho hàng triệu người dân Việt Nam, phá hủy hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều địa phương; hàng nghìn người dân Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những nguy hiểm do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Theo VNN

Bài mới
Đọc nhiều